Nguồn lao động có có tay nghề trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vừa thiếu, vừa yếu. Ảnh Hải Vân
Đi học làm công nghiệp phụ trợ
Xuất phát từ nhu cầu thực tế
Việc Bộ Công thương chọn “các cán bộ Chính phủ” sang Hàn Quốc để đào tạo cao cấp về công nghiệp phụ trợ đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là khi Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 38-CT/TW ngày 21.7.2014 về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài.
Khóa học cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người trong bối cảnh Việt Nam loay hoay xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ.
Chương trình tư vấn nâng cao năng lực các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sau một thời gian triển khai đã góp phần cải thiện năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, làm nguôi ngoai nỗi buồn không thể đáp ứng yêu cầu của Samsung, dù chỉ là sản xuất ốc vít.
Những năm trước, Samsung cử chuyên gia hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm trước khi trở thành đối tác của Samsung và là nhà cung ứng linh kiện cho tập đoàn này.
Việc Samsung Việt Nam trong tháng 3 này phối hợp với Bộ Công thương đưa 14 chuyên gia công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sang Hàn Quốc đào tạo, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho, hy vọng sẽ xây dựng được đội ngũ chuyên gia chủ chốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Khóa học này, bên cạnh các nội dung chuyên sâu về quản lý chất lượng, cách thức tổ chức và lập kế hoạch tư vấn tổng thể cho doanh nghiệp, các học viên sẽ đến thăm, học hỏi quy trình sản xuất hiện đại từ các nhà máy hàng đầu thế giới của Samsung tại Suwon, Gumi, Kwangju, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác của Hàn Quốc đã thành công từ các chương trình hợp tác tương tự giữa Samsung và Viện Chấn hưng Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KIAT).
Khóa học chắc chắn mang lại hiệu quả bởi đào tạo là phương thức hiệu quả mà Hàn Quốc, Nhật đã áp dụng để nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Nhưng, việc Bộ Công thương, đơn vị chịu trách nhiệm lựa chọn đối tượng tham gia khóa học tại Hàn Quốc, đã đưa vào danh sách 14 vị là các tiến sĩ từ các trường đại học và các cán bộ Chính phủ chuyên trách về công nghiệp phụ trợ từ các tỉnh thành như TP.HCM, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, đã khiến nhiều người phân vân. Bởi vì lâu nay, các suất đi học tương tự Samsung thường dành các chuyên gia, hay nói cách khác là những người "bắt tay vào việc", chứ không phải những người lý thuyết, vì đây là lần đầu tiên Samsung đưa người sang Hàn Quốc đào tạo.
Xây “đầu tầu” công nghiệp phụ trợ
Sự kiên trì trong nhiều năm đã giúp Samsung có được danh sách 35 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1, dự kiến tăng lên 50 doanh nghiệp vào năm 2020. Năm 2018, tỉ lệ nội địa hóa của Samsung đạt 59%.
Năm 2018, có 95 trong số 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam về công nghiệp phụ trợ đã hoàn thành khóa đào tạo 2 năm (2018-2019) thuộc Chương trình tư vấn nâng cao năng lực các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Theo kế hoạch, 30% học viên xuất sắc nhất, khoảng 60 chuyên gia, sẽ được cử sang Hàn Quốc để tiếp tục đào tạo chuyên sâu.
Triển khai các khóa đào tạo cao cấp tại Hàn Quốc dành cho các chuyên gia tư vấn công nghiệp phụ trợ, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho, nói rằng, Samsung Việt Nam muốn khẳng định vai trò của một trong những “đầu tầu” để phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Thực ra, việc có thêm các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, một mặt đảm bảo cam kết của các doanh nghiệp FDI với Chính phủ Việt Nam về việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nhưng mặt khác quan trọng hơn, giúp các doanh nghiệp này giảm giá thành nhập khẩu linh kiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận.
Năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước đã dần được cải thiện sau những nỗ lực của các doanh nghiệp dù cơ chế chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn chậm so với thực tiễn.
Các chính sách chủ yếu liên quan đến việc ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hơn là các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp, trong khi công nghiệp phụ trợ là một trong những lĩnh vực do Bộ Công thương quản lý.
Việt Nam muốn phát triển một nền công nghiệp phụ trợ nhằm đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, nhưng cho đến nay, nguồn lao động có có tay nghề trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vừa thiếu, vừa yếu so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan...
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội, cho rằng: “Phát triển công nghiệp hỗ trợ lại đòi hỏi phải xây dựng hệ thống đào tạo hỗ trợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Kế đến là hình thành phương thức nâng cao giá trị sản xuất cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
Đào tạo nguồn nhân lực, ông Hironobu Kitagawa cho là vấn đề “rất quan trọng”. Theo ông, việc xây dựng hệ thống đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề ngay từ các cấp bậc đào tạo như đại học là điều cần thiết cho Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, các chương trình đào tạo cải thiện hiệu suất làm việc, nâng cao kỹ năng tay nghề được thực hiện ngay tại nơi làm việc hay các chương trình giáo dục giúp người trẻ có kỹ năng thực tế khi làm việc như hệ thống trường cao đẳng dạy nghề (Kosen) được chú trọng xây dựng.