Thứ Hai | 21/04/2014 15:19

ĐHĐCĐ VPBank: Chỉ niêm yết sau khi bán cho đối tác chiến lược

Lúc 14h00, Đại hội Đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của VPBank chính thức được bắt đầu, tham dự có 45 người đại diện cho 89,37% cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Theo chương trình, Đại hội sẽ thảo luận và thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền như các Báo cáo của HĐQT, BKS, TGĐ, phương án tăng vốn, phương án phân phối lợi nhuận và bầu bổ sung Nhân sự vào Ban kiểm soát.

Năm 2013, lợi nhuận tăng 43%

Kết thúc năm 2013, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.354,8 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch, tăng 406 tỷ so với năm 2012, tương ứng tăng 43%. Đây cũng là năm đầu tiên lợi nhuận sau thuế của VPBank cán mốc hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 1.018 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 121.264 tỷ đồng, vốn điều lệ cuối năm 2013 đạt 5.770 tỷ đồng, tháng 3/2014 VPBank đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên thành 6.347 tỷ đồng.

Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của VPBank năm 2013 là 1.764 đồng/cổ phiếu. ROA năm 2013 đạt 0,91% (năm 2012 là 0,14%). ROE năm 2013 đạt 14%, tăng 3% so với năm 2012. Biên thu nhập lãi thuần năm 2013 (NIM) là 4,47%, tăng 0,62% so với năm 2012.

Đến 31/12/2013, số dư dự phòng rủi ro là 1.274 tỷ đồng, tăng hơn hai lần so với cuối năm 2012, nâng cao sự chủ động để bù đắp tổn thất có thể xảy ra.
Năm 2014, lợi nhuận dự kiến tăng 39,5%

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2014 trình ĐHĐCĐ thì tổng tài sản sẽ tăng lên thành 155.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2013, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.890 tỷ đồng, tăng 39,5% so với năm 2013. Huy động khách hàng ước đạt 106.603 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 84.454 tỷ đồng (trong đó cho vay khách hàng đạt 72.712 tỷ đồng). ROE năm 2014 dự kiến là 18%.

Theo phương án xin tăng vốn, tổng số vốn dự kiến tăng thêm là 977,27 tỷ đồng, tương đương 97,727 triệu cổ phần. Hình thức tăng vốn là chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (chia cổ phiếu thưởng). Tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn là 14,697% và chia cổ phiếu thưởng 0,699% trên vốn điều lệ 6.347 tỷ đồng. Tổng tỷ lệ cổ phần tăng thêm là 15,396%. Thời điểm dự kiến hoàn thành trong năm 2014, tùy theo chấp thuận của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, VPBank cũng có ý định xin tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán chứng khoán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2014-2015.

Năm 2014, VPBank dự kiến sẽ mở thêm 3-4 chi nhánh tại một số tỉnh chưa có sự hiện diện, 10-15 chi nhánh tại một số địa bàn trọng tâm.

Cổ đông quan tâm đến việc niêm yết

Lúc 15h10, đại hội bắt đầu thảo luận.

Một cổ đông yêu cầu Ngân hàng nên có kế hoạch cụ thể về việc trả cổ tức bằng tiền mặt thay vì trả bằng cổ phiếu như nhiều năm nay.

Ông Ngô Chí Dũng trả lời: Có thể nhìn lại 5 năm vừa qua, tổng tài sản, dư nợ đều tăng trưởng trung binh 30 – 35%. Nguồn để tăng vốn không có nguồn nào khác ngoài lợi nhuận để lại. Nếu không tăng vốn sẽ không thể có tăng trưởng. Trên cơ sở đó, HĐQT đề nghị cổ đông đồng thuận giữ lại lợi nhuận để tăng vốn. Nếu trong thời gian tới, ngân hàng bán được cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, thì sẽ chia lợi nhuận.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do thoái vốn của Ngân hàng OCBC, ông Dũng cho biết lý do chính xác nhất phải do OCBC trả lời. Tuy nhiên, theo quan điểm của HĐQT, việc thoái vốn là do chiến lược của họ. Có thể họ không thấy hấp dẫn ở thị trường Việt Nam, họ không quan tâm đến khoản đầu tư ở VPBank.

Một cổ đông quan tâm đến vấn đề ủy quyền cho HĐQT bán cổ phiếu cho đối tác nước ngoài, trong đó giá bán tối thiểu là bao nhiêu, có lợi cho cổ đông hiện hữu hay không?

Ông Ngô Chí Dũng cho biết, HĐQT sẽ đàm phán theo hướng có lợi nhất cho cổ đông hiện hữu.

Về kế hoạch niêm yết trên TTCK, ông Dũng cho biết hiện VPBank chưa có ý định niêm yết. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng mới đây, trong vòng 2-3 năm tới các ngân hàng sẽ đều phải niêm yết để đảm bảo sự minh bạch.

Đại diện VPBank chia sẻ, sau khi bán vốn cho nước ngoài VPBank mới niêm yết để có lợi hơn cho cổ đông trong giai đoạn hiện nay.

Một cổ đông quan tâm đến việc VPBank có ý định sáp nhập với ngân hàng nào khác không?

Ông Dũng cho biết hiện tại ngân hàng chưa có lý do gì để phải sáp nhập. Việc sáp nhập phải vì một mục tiêu nào đó. Với mô hình kinh doanh của VPBank hiện nay không đến mức phải sáp nhập với TCTD nào khác. "Tuy nhiên, nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ nghiên cứu và sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua, nhưng phải có lợi mới làm", Chủ tịch HĐQT VPBank khẳng định.

Nguồn NDH


Sự kiện