ĐHĐCĐ SAGS lần đầu: SSI sở hữu hơn 17% vốn, tham gia HĐQT
Với sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính sẽ giúp cho CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) có một cơ cấu cổ đông ổn định. Sắp tới, SAGS có thể tăng vốn tùy thuộc vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, khi đó sẽ thu hút thêm nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
ĐHĐCĐ SAGS lần đầu, diễn ra sáng ngày 29/12/2014 với sự tham dự của 98,2% cổ phần có quyền biểu quyết |
Niêm yết tại HOSE sau 1 năm
Thực hiện theo Quyết định cổ phần hóa của Bộ Giao thông Vận tải, Công ty TNHH MTV Phục vụ mặt đất Sài Gòn - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã chính thức trở thành Công ty cổ phần với tên gọi CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS), vốn điều lệ hơn 140,5 tỷ đồng.
Sau IPO vào đầu tháng 12/2014 vừa qua, SAGS có tổng cộng 685 cổ đông. Trong đó gồm 6 tổ chức (ACV, Công đoàn SAGS, CTCP Khai thác Cảng, CTCP Hàng không VietJet, CTCP Đầu tư Thương mại Hoàn Lộc Việt, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI) và 679 cá nhân (gồm 677 cán bộ công nhân viên Công ty và 2 cổ đông bên ngoài).
Cơ cấu sở hữu của SAGS sau khi cổ phần hóa |
Tại ĐHĐCĐ lần đầu vào sáng 29/12, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Đình Hùng cho biết, một năm sau IPO, SAGS sẽ tiến hành niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Kế hoạch kinh doanh khiêm tốn, cổ tức năm đầu 15%
HĐQT SAGS cho biết, trong hai năm 2013 và 2014, đã có 9 hãng hàng không tái cấu trúc, tạm dừng hoạt động và giảm tần suất khai thác đến cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất của Công ty. Dự kiến năm 2015, tình hình chính trị trên thế giới chưa thật sự ổn định, dư âm từ những tai nạn không mong muốn của ngành hàng không vẫn còn, dự báo năm đầu tiên hoạt động dưới hình thức CTCP, SAGS sẽ gặp không ít khó khăn.
Trên cơ sở đó, cổ đông SAGS thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 khá khiêm tốn với doanh thu 500 tỷ đồng, tăng 7% so với ước thực hiện 2014 (465 tỷ đồng). Lãi sau thuế 66,3 tỷ đồng, tương đương mức 66 tỷ đồng của năm 2014. Cổ tức năm đầu tiên sẽ là 15%. SAGS sẽ giữ nguyên vốn chủ sở hữu trong năm 2015.
Ngoài ra, SAGS sẽ tranh thủ tìm kiếm thêm 1 hoặc 2 hãng hàng không mới mỗi năm nhằm phát triển kinh doanh tập trung tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Công ty sẽ đầu tư khu xưởng sửa chữa và phục vụ trên tàu đảm bảo cho hoạt động cung cấp dịch vụ tại sân đỗ; chú trọng các mảng dịch vụ mới như huấn luyện, đào tạo, công nghệ thông tin hàng không, sửa chữa trang thiết bị chuyên ngành…
SSI tham gia HĐQT, Vietjet có mặt trong Ban kiểm soát
Tại đại hội, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ đầu tiên (2014 - 2019) đã được bầu, cụ thể:
HĐQT:
(1) Ông Nguyễn Đình Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SAGS
(2) Ông Lưu Quang Lãm – Phó Chủ tịch HĐQT SAGS
(3) Ông Nguyễn Thanh Tùng (Phó Giám đốc SSI)
(4) Bà Lê Thị Diệu Thúy
(5) Bà Nguyễn Thị Đỗ Quyên
Các thành viên trong HĐQT SAGS nhiệm kỳ đầu tiên (2014-2019) |
Ban kiểm soát:
(1) Bà Trần Thị Thùy Trang – Trưởng Ban kiểm soát SAGS
(2) Bà Phạm Phương Linh (thuộc SSI)
(3) Bà Trần Dương Ngọc Thảo (thuộc VietJet)
Năm 2014, cả nước đã cổ phần hóa được 143 doanh nghiệp, riêng ngành Giao thông Vận tải đạt số lượng cao nhất với 50 doanh nghiệp. Trong đó Vietnam Airlines là doanh nghiệp lộ trình cổ phần hóa dài nhất trong ngành với gần 7 năm, một đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết. Dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần thêm khoảng 30 doanh nghiệp khác trong ngành. Sự thành công của việc cổ phần hóa sẽ tùy thuộc rất nhiều vào năng lực hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của mỗi doanh nghiệp chứ không xét trên phương diện ngành có hấp dẫn hay không, vị đại diện này chia sẻ thêm. |
Nguồn Vietstock