ĐHĐCĐ của PGS “nảy lửa” chuyện cổ tức
Vì sao cổ tức giảm?
Năm 2013, CTCP Khí hoá lỏng Miền Nam (PVGas South - PGS) đưa ra kế hoạch chi trả cổ tức 1.200 đồng/CP, nhưng sau đó điều chỉnh tăng lên 1.500 đồng/CP. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị PGS lại đưa ra mức cổ tức dự kiến cho năm 2014 chỉ có 1.200 đồng/CP. Đó chính là điều khiến nhiều cổ đông bức xúc.
Có ý kiến đề nghị sửa lại tờ trình kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2014 theo hướng mức cổ tức trên mệnh giá tối thiểu là 15%. Một cổ đông nói: “Dường như ban lãnh đạo đã quên mất quyền lợi của cổ đông, thay vào đó chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh của Công ty. Nếu ban lãnh đạo nắm nhiều cổ phiếu sẽ hiểu được cảm giác của cổ đông. Thử hỏi với cổ tức từ 12 - 15% trên mệnh giá, nếu so với giá thị trường hiện nay thì liệu có ai muốn mua và nắm giữ cổ phiếu PGS?”.
Một cổ đông khác tự xưng đang sở hữu và đại diện sở hữu tổng cộng 22% PGS, từng mua cổ phần PGS khi giá ở mức 170.000 đồng/cổ phần, cho biết, có thể kết hợp với các cổ đông khác để đạt được tỷ lệ 35%, đủ để phủ quyết các nội dung do Hội đồng quản trị trình. Theo ông, PGS phải chia cổ tức tối thiểu 15% bằng tiền mặt, đồng thời phải chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1.
Thậm chí có cổ đông đề nghị phải nâng mức cổ tức bằng tiền mặt lên 20 - 30%, trừ khi Hội đồng quản trị và Ban điều hành chứng minh được Công ty đang có kế hoạch đầu tư lớn. Cổ đông này lập luận rằng, công ty con của PGS là CNG có kế hoạch chia cổ tức đến 35% thì việc PGS đưa ra mức cổ tức 12% là không hợp lý.
Còn rất nhiều ý kiến khác chất vấn vì sao kế hoạch cổ tức năm 2014 thấp hơn mức thực hiện năm 2013, đến nỗi ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch PGS, phải thừa nhận rằng, trong lịch sử của Công ty, chưa có cuộc họp ĐHĐCĐ nào “sôi nổi” như lần này.
Ông Thắng nói: “Lẽ ra người gây áp lực chia cổ tức cao phải là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) mới đúng vì đây là cổ đông lớn nhất của PGS, hơn nữa GAS còn hỗ trợ PGS về nhiều mặt như cho thiếu nợ hàng ngàn tỷ đồng, cung cấp khí với giá tốt”.
Theo ông Thắng, cổ đông có quyền gây áp lực bằng cách yêu cầu Công ty chia cổ tức cao, nhưng ông lưu ý rằng, nếu các tờ trình không được thông qua sẽ gây tốn kém cho Công ty, và như thế sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông. Hơn nữa, trước khi lập kết hoạch, PGS cũng đã tham khảo ý kiến của GAS, và nếu kế hoạch không thông qua có thể khiến GAS phật lòng, và kết quả là PGS sẽ rất khó khăn.
Còn vì sao kế hoạch cổ tức thấp hơn, ông Thắng nói: “Các cổ đông cứ nhìn vào tốc độ tăng trưởng tài sản của Công ty trong những năm qua thì thấy, nếu làm được bao nhiêu chia hết bấy nhiêu thì liệu tài sản có thể tăng nhanh như thế không? Ai cũng hiểu mối quan tâm của cổ đông, nhưng chia cổ tức làm sao phải đảm bảo cân đối nguồn để Công ty có thể tồn tại và phát triển”.
Mặc dù giải thích như thế, nhưng đến phần lấy ý kiến biểu quyết thông qua, vẫn có cổ đông “có ý kiến khác”, rằng đề nghị kế hoạch cổ tức năm 2014 là 12% bằng tiền mặt, đồng thời căn cứ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Hội đồng quản trị xem xét trình cổ đông thông qua việc chia cổ phiếu. Đây cũng là ý kiến cuối cùng chốt lại vấn đề cổ tức.
… và vì sao chỉ tiêu lợi nhuận giảm?
PGS đưa ra kế hoạch cổ tức thấp hơn cũng vì kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm nay thấp hơn. Điều này cũng khiến cổ đông bức xúc không kém.
Một cổ đông đặt vấn đề: “Có phải lãnh đạo Công ty đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch thấp để rồi cuối cùng vượt kế hoạch thì được thưởng?”.
Một cổ đông khác nói: “Lãnh đạo Công ty cần đưa ra một kế hoạch nghiêm túc, vì với kế hoạch như trình cổ đông thì nhắm mắt cũng có thể làm được”.
Cổ đông tự xưng đang sở hữu và đại diện sở hữu tổng cộng 22% như đề cập ở trên nói: “Kinh tế đang phục hồi, không thể đưa ra kế hoạch thấp hơn năm ngoái. Hơn nữa, năm ngoái PGS đã mua lại 100% cổ phần của CTCP Bình khí Dầu khí Việt Nam và 45% phần vốn góp của Ủy ban Dầu khí Thái Lan (PTT) tại Công ty TNHH Kinh doanh Khí hoá lỏng Việt Nam (VT Gas), không có lý do gì để đưa ra kế hoạch thấp hơn”.
Giải thích vấn đề này, các đại diện của PGS lý do là thị trường diễn biến khó lường, ví dụ giá gas tiêu dùng từ đầu năm đến nay đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số khách hàng lớn đã chuyển sang dùng các loại nhiên liệu thay thế cho CNG như trấu, than và điện.
Ngoài ra, kế hoạch còn căn cứ vào dự báo giá dầu trên thế giới, căn cứ vào kế hoạch của GAS và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam)… Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc PGS, nói: “Các con số đưa ra đều có căn cứ chứ không phải chúng tôi tự vẽ ra”.
Dù bức xúc nhưng cuối cùng các cổ đông cũng thông qua tất cả chi tiêu kế hoạch kinh doanh do Hội đồng quản trị trình.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán