ĐHCĐ VCB: Bí mật khoản đầu tư 20.000 tỷ lợi nhuận cao, lộ trình giảm sở hữu nhà nước xuống 65%
Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 5.876 tỷ đồng, nợ xấu xuống 2,31%
Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank trình bày trước Đại hội Báo cáo của HĐQT. Theo đóVCB đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đề ra.
Lợi nhuận trước thuế trước dự phòng năm 2014 của VCB đạt 10.442 tỷ đồng, tăng 12,7% so với 2013. VCB đã trích dự phòng rủi ro ở mức 4.566 tỷ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế sau dự phòng năm 2014 đạt 5.876 tỷ đồng, tăng 2,32%. Thu nhập thuần từ lãi tăng 9,2%.
Về huy động vốn năm 2014 có sự tăng trưởng mạnh, huy động vốn từ nền kinh tế năm 2014 đã đạt 442.204 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với 2013.
Lãi suất huy động được điều chỉnh linh hoạt, luôn duy trì ở mức thấp nhất thị trường, cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo đúng định hướng.
Dư nợ tín dụng đạt 323.332 tỷ đồng, tăng 17,8% so với 2013. Nợ xấu được kiểm soát, các hệ số an toàn được đảm bảo.Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2014, nợ xấu của VCB còn 7.459 tỷ đồng với tỷ lệ là 2,31%, giảm 0,42% so với năm 2013, thấp hơn mức khống chế kế hoạch là 3%.
Năm 2014, thu nợ xấu đạt 2.460 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Hệ số an toàn vốn tối thiểu đạt 11,6%. Năm 2014, VCB đã bán nợ cho VAMC là 357 tỷ đồng. Doanh số mua bán ngoại tệ với khách hàng đạt 28,9 tỷ USD, tăng 9,8%.
Dịch vụ chuyển tiền kiều hối năm 2014 đạt 1,35 tỷ USD tăng 5%. Dịch vụ SMS Banking, Mobile Banking và Internet Banking tăng trưởng mạnh với con số tương ứng là 123, 116 và 113%.
Tổng giá trị các dự án vốn tín dụng quốc tế mà VCB được giao làm ngân hàng phục vụ đạt 1,55 tỷ USD.
"Trong năm 2014, VCB đã chủ động, tiên phong đi đầu trong nhiều hoạt động đầu tư, hạ lãi suất, tham gia gói 30.000 tỷ đồng của Chính Phủ…góp phần thực hiện mục tiêu lọt vào top 300 ngân hàng lớn nhất thế giới vào năm 2020", ông Thành nói.
Năm 2015: Khống chế nợ xấu dưới 2,5%, chia cổ tức 10%
Trên cơ sở đó, VCB đặt kế hoạch mục tiêu cho năm 2015 vớilợi nhuận trước thuế đạt 5.900 tỷ đồng, tổng tài sản là 640.000 tỷ đồng tăng 11,5%, tín dụng tăng 13%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%…Theo đánh giá của VCB, kinh tế VN năm 2015 dự báo sẽ có mức phục hồi cao hơn năm 2014 và tăng trưởng có thể đạt ở mức 6%-6,2%.
Xây dựng phương án M&A, định hướng thành ngân hàng số 1 Việt Nam
Ngoài ra, VCB cho biết sẽ xây dựng phương án M&A theo chủ trương được phê duyệt, tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nhằm tăng quy mô và hiệu quả hoạt động, và thực hiện định hướng đưa VCB thành ngân hàng số 1 Việt Nam.
Lãnh đạo VCB đề xuất mức trả thù lao cho HĐQT và BKS năm 2015 là 0,35% mức lợi nhuận sau thuế. Tính đến thời điểm 31/12/2014, tổng tài sản của VCB là 576.989 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt hơn 43.351 tỷ đồng.
ĐHCĐ chuyển sang phần hỏi đáp
Một cổ đông cá nhân hỏi: Năm 2015 VCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 0,4% trong khi doanh thu tăng 10%, con số này có quá khiêm tốn?
Ông Nghiêm Xuân Thành: HĐQT đã đề ra lợi nhuận tăng 0,4%, trong khi đó doanh thu tăng 10%. VCB có định hướng thành ngân hàng số 1 VN vì vậy phải tăng tổng tài sản, quy mô kinh doanh.
Với mục tiêu này, phương châm kinh doanh của VCB có sự thay đổi hướng đến sự tăng trưởng nhanh, bền vững. Điều này thể hiện định hướng lớn của VCB. Mặc dù đặt ra kế hoạch vậy nhưng chúng tôi vẫn phấn đấu cao hơn mức kế hoạch.
Cổ đông hỏi: ĐHCĐ bất thường cuối năm 2014, VCB có cho biết sẽ sáp nhập thêm 1 tổ chức tín dụng khác? HĐQT có thể chia sẻ về điều này?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Trong ĐHCĐ bất thường cuối năm 2014, HĐQT xin phép cổ đông, tìm kiếm sáp nhập với 1 tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu, tìm kiếm và lựa chọn đối tác, nếu có kết quả chính thức sẽ thông báo đến cổ đông.
Một cổ đông cá nhân hỏi: Gần đây có thông tin VCB đang tìm kiếm đối tác sáp nhập, trong đó có Saigonbank, GPbank, Oceanbank... Vậy phương án cụ thể như thế nào
Ông Nghiêm Xuân Thành: Hiện nay VCB có tham gia và là cổ đông của một số TCTD. Theo Thông tư 36 tiến tới VCB sẽ chỉ được tham gia là cổ đông của 2 TCTD. Đây là quy định của NN, VCB sẽ chấp hành chủ trương này. Sau khi báo cáo lên NHNN và được Thống đốc đồng ý chúng tôi sẽ thoái vốn tại các TCTD theo đúng quy định
Về định hướng sáp nhập với 5 TCTD hiện nay VCB đang là cổ đông thì chúng tôi xin khẳng định là chưa có chủ trương.
Một cổ đông cá nhân hỏi: Liên quan đến khoản nợ Vinalines, tại sao VCB lại quyết định bán nợ cho VAMC thay vì đợi kết quả kinh doanh khả quan của VNA như các TCTD khác trong năm nay? Tại sao không tham gia góp vốn mua cổ phần của Vinalines?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Qua đánh giá tổng thể các phương án, chúng tôi thấy rằng với việc bán nợ cho VAMC là hiệu quả nhất. Với lãi suất như hiện nay, thì việc bán nợ cho VAMC là an toàn, hiệu quả ở đây không phải là thu được nợ cao nhất mà là phương án an toàn nhất cho VCB.
VAMC là công ty mua bán nợ của Bộ Tài Chính, việc mua bán nợ sòng phòng, rõ ràng, minh bạch.
Về việc mua cổ phần của Vinalines, theo quy định hiện nay, VCB không được tham gia quá 11% cổ phần của đơn vị tham gia. Cách đây 2 tuần, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết kỳ vọng vào sự phát triển của Vinalines là ảo, vì vậy lựa chọn của ĐHCĐ là an toàn nhất.
Dư nợ của VCB tại Vinalines là rất nhỏ so với TCTD khác.
Một cổ đông cá nhân hỏi: Chi phí dự phòng năm 2015 là 5500 tỷ đồng, so với NHNN và một số TCTD khác là khá thận trọng. Trải qua 6 tháng, kinh tế thực sự khôi phục, có thể hạ chi phí dự phòng được không?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Mức quỹ trích lập dự phòng 10.000 tỷ, tăng 22%, như vậy mức trích lập 5500 tỷ đồng thận trọng, phù hợp với quy định của nhà nước. Năm 2015, Thông tư 02 và 09 chính thức áp dụng. Chúng tôi dự tính mức nợ xấu của VCB sẽ có biến đổi, số trích lập VCB này khả thi.
VCB hướng đến sự phát triển bền vững, đúng định hướng, thành ngân hàng số 1 VN nên đã tính toán rất cẩn thận cho mức trích này.
Một cổ đông hỏi: Cổ phần của NN tại VCB là 77%, có thể giảm tối đa xuống 65% trong thời gian tới không?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Trong thời gian tới VCB có trình NN giảm vốn NN xuống 65%. Với sự phát triển nhanh của VCB, quy mô tài sản của VCB sẽ khá cao, hệ số an toàn của VCB giảm. Trong đề án hệ số CAR xuống dưới 12%.
Chúng tôi đã trình NN, giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức, tăng vốn tuy nhiên phương án này khá thiếu khả thi, không hiệu quả.
Một phương án khác đó là cho phép VCB tăng vốn thông qua việc tăng sở hữu các cổ đông khác. Theo đó, tỷ lệ vốn của NN có thể xuống 65%. Còn việc tăng như thế nào, khi nào tăng và tăng như nào sẽ báo cáo sau.
Tôi cũng xin vui mừng thông báo, cách đây ít giờ hệ thống VCB đã có khoản tín dụng, đầu tư đặc biệt, trong đó có 1 khoản đầu tư trên 20.000 tỷ rất an toàn. Đây là một khoản đầu tư dài hạn, đem lại lợi nhuận rất lớn cho VCB về lâu dài.
Cổ đông hỏi: Gần đây, VCB có mua nhiều trái phiếu chính phủ. Kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC như nào?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Theo tờ trình, hệ số sử dụng vốn VCB khá thấp, quan sát thị trường tiền tệ, VCB tiên phong giảm lãi suất huy động, thấp nhất thị trường. Như vậy, VCB có đầu vào thấp là cơ sở để giảm lãi suất cho vay.
Với uy tín, thương hiệu, văn hoá của VCB, khả năng huy động vốn rất tốt. Mức tăng trưởng này là nguồn vốn giá thấp nhất, thanh khoản dồi dào. Có thể đầu tư vào trái phiếu chính phủ, đã đem lại hiệu quả cho VCB.
Về việc bán nợ xấu cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu của VCB chưa phải thấp, kế hoạch bán nợ xấu mới dự kiến bán 1.000 tỷ đồng. Theo diễn biến thị trường và nền kinh tế, con số này có thể cao hơn nhưng chúng tôi xin khẳng định số bán thấp nhất trong 4 TCTD lớn.
Cổ đông hỏi: Khoản đầu tư 20.000 tỷ đồng an toàn ông vừa nói, 5-10 năm, tôi đoán là trái phiếu chính phủ, lãi suất là bao nhiêu?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Đây là hình thức đầu tư mới, đảm bảo và an toàn, nơi tiếp nhận đầu tư của chúng ta là an toàn tuyệt đối. Lãi suất không thể công bố ngay nhưng cực kỳ hấp dẫn đem lại hiệu quả cao trong những năm tới.
Cổ đông hỏi: HĐQT vừa nói, VCB đang xem xét, tìm kiếm đối tác sáp nhập. Tiêu chí sáp nhập và lựa chọn đối tác là gì. Là ngân hàng hàng đầu, sáp nhập thêm một ngân hàng nào có thể trở thành gánh nặng cho VCB?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Tiêu chí của chúng tôi rất rõ ràng:
Một là, sáp nhập phải tăng quy mô, vì VCB đã có uy tín việc sáp nhập phải tăng quy mô lên.
Hai là, sáp nhập với các TCTD có sự an toàn tài chính, chúng tôi không thể sáp nhập với các TCTD âm vốn.
Ba là, phải có mạng lưới bổ trợ cho VCB, nhưng nơi mà mạng lưới VCB còn yếu và thiếu.
Bốn là, việc sáp nhập giúp VCB tăng vốn, giúp VCB thực hiện định hướng NH số 1 Việt Nam.
Đây là 4 định hướng, tiêu chí xuyên suốt để thực hiện, chúng tôi không vội vàng, gấp gáp trong việc sáp nhập.
Chúng tôi đang hướng đến NH số 1 VN, hướng đến số 1 về quy mô và chất lượng. Về mặt chất lương của VCB đã được cải thiện rất nhiều nhờ các chương trình mới triển khai. Về quy mô, nếu chỉ tự thân thì phải mất một thời gian dài, nếu mà chúng ta sáp nhập thì sẽ đẩy nhanh hơn nữa quá trình thành ngân hàng số 1 Việt Nam.
Nguồn NDH