ĐHCĐ Sabeco: 9 nhà đầu tư muốn mua phần vốn Nhà nước bán ra
Sáng nay (28/5), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015.
Thời gian tổ chức ĐHCĐ được lùi sang hôm nay thay vì ngày 25/5 như đã thông báo trước đó. Lý do cổ đông Nhà nước chưa đồng ý một số chỉ tiêu trong tài liệu trình ĐHCĐ thường niên và cần xem xét lại.
Hiện Bộ Công thương là tổ chức đại diện sở hữu Nhà nước tại Sabeco - đồng thời cũng là cơ quan chủ quản của công ty này với tỷ lệ sở hữu gần 90% vốn điều lệ của Sabeco.
Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua nội dung tất cả các tờ trình.
Kế hoạch lãi sau thuế gần 3.300 tỷ đồng, trả cổ tức 30%
Năm 2015, Sabeco lên kế hoạch đạt doanh thu hơn 31.720 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 3.290 tỷ đồng, tăng lần lượt 3% và 8% so với kết quả thực hiện năm 2014. Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2015 là 30%.
Năm 2014, Sabeco đã sản xuất và tiêu thụ gần 1,4 tỷ lít bia (trong đó, Bia Sài Gòn chiếm đến 97%), 1,4 triệu lít rượu và hơn 35 triệu lít nước giải khát. Doanh thu đạt gần 30.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 3.050 tỷ đồng trong năm 2014, tăng lần lượt 6% và 22% so với mức thực hiện năm 2013.
Theo Sabeco, năm 2015, Chính phủ sẽ bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo 15% cho doanh nghiệp đồng thời giá xăng dầu giảm khiến chi phí vận tải giảm tương ứng so với năm 2014. Đây sẽ là những thuận lợi để Sabeco đạt được kế hoạch kinh doanh đề ra.
Tuy nhiên, thị trường nội địa chịu nhiều sức ép cạnh tranh, đặc biệt từ các thương hiệu nước ngoài. Các khó khăn về giá cả, nguyên vật liệu, biến đổi khí hậu... là các yếu tố bất lợi cho sự phát triển kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và tốc độ tiêu thụ sản phẩm Bia Sài Gòn.
Liên quan đến một số vướng mắc trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt khác với cách tính mà Sabeco đang thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng Cục Thuế, Sabeco kiến nghị Bộ Công thương làm việc với Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính để sớm có giải pháp cho vấn đề trên.
Bên cạnh đó, Sabeco còn kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ Sabeco trong việc thực hiện các biện pháp để hạn chế sự tác động của các chính sách hạn chế rượu, bia và các biện pháp kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh bia, rượu.
Mất 10% lợi nhuận nếu áp thuế TTĐB và các quy định tem
Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco, hiện Công ty đang có những đề xuất lên các Bộ ngành để xem xét các vấn đề liên quan tới Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và việc dán tem trên bao bì bia.
Về thuế TTĐB, theo đề án đến năm 2018, thuế này lên tới 65%, tương đương mỗi năm Sabeco sẽ mất đi 10% lợi nhuận. Sabeco đang đề nghị xem xét lại cách tính thuế này. Điều này không thực hiện được, thậm chí còn vi phạm điều luật, vì thuế TTĐB chỉ đánh vào sản xuất chứ không phải khâu thương mại.
Về việc dán tem lên bao bì sản phẩm, ông Tuất cho rằng việc dán tem để chống hàng giả là không triệt để. Có tem chống hàng giả thì sẽ có tem giả, điều đó khó tránh khỏi. Ngoài ra, việc dán tem đồng nghĩa làm tăng chi phí của công ty lên 800 tỷ đồng/năm. Do đó, sẽ không quản lý được chất lượng sản phẩm bằng tem.
Năm 2015, Sabeco tiếp tục thực hiện tái cấu trúc Tổng công ty theo đề án tái cấu trúc của Bộ Công thương, tiếp tục thoái vốn danh mục không phù hợp.
Năm nay, Sabeco sẽ tung ra thị trường các sản phẩm bia mới với các hương vị mới như mùi chanh, mùi trái cây, thậm chí có mùi cà phê, mùi trà. Các sản phẩm bia dành cho giới trẻ cũng được chú trọng phát triển.
9 nhà đầu tư muốn mua phần vốn Nhà nước bán ra
Tại phiên thảo luận, ông Tuất cho biết hiện tại, Sabeco đã nhận dc 9 hồ sơ đề nghị muốn mua cổ phần Bia Sài Gòn từ phần Nhà nước bán ra.
Tuy nhiên, Bộ công thương cũng vừa mới lập Ban chỉ đạo bán tiếp phần vốn Nhà nước tại Sabeco. Bộ Công thương đang tiến hành lập quy trình để chọn lọc, bỏ giá và bán với cam kết tốt nhất cho cổ đông.
Nhiều cổ đông bày tỏ sự quan tâm tới định hướng phát triển quỹ đất của Sabeco, đặc biệt tới diện tích đất tại số 6, Hai Bà Trưng, quận 1. Chủ tịch Sabeco lý giải, Sabeco hiện đứng tên 9 mảnh đất nhưng "không dễ nuốt" khi có Nghị định về đầu tư ngoài ngành.
Hơn nữa, theo ông Tuất, những mảnh đất này không phải là tài sản sở hữu của Sabeco, Sabeco chỉ có quyền ưu tiên số 1 về thuê đất. Muốn sở hữu, Sabeco phải nộp tiền thuế sử dụng đất. Đơn cử với khu đất số 6 Hai Bà Trưng, nếu muốn sở hữu, Sabeco phải nộp 1.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 180 triệu đồng/m2. Do đó, ông Tuất cho biết đang có kế hoạch hợp tác với đối tác để khai thác giá trị sử dụng của quỹ đất,
Khổng Chiêm