ĐHCĐ REE: Không bán Reetech, đẩy mạnh xuất khẩu
Sáng nay (31/3), Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016.
Không bán Reetech, đẩy mạnh xuất khẩu
Tại phiên thảo luận, trả lời câu hỏi Reetech cạnh tranh với các công ty đa quốc gia như thế nào, đại diện REE cho biết trên thị trường có hơn 80 nhãn hiệu và Reetech nằm trong top 10 nhãn hiệu bán chạy nhất, riêng tại thị trường TPHCM là nằm trong top 5. Reetech có kế hoạch tăng trưởng đếu trong ba năm tới với mức tăng 10%/năm. Bên cạnh đó, đại diện Reetech cũng cho biết REE sẽ không bán Reetech và sẽ tiếp tục vận hành Reetech. Đại diện REE cũng cho biết những năm qua tình hình khó khăn, các thương hiệu lớn như Sharp, Toshiba bị mua lại. Reetech có mảng cơ điện, thi công các công trình của Ree M&E. Công ty sẽ tiếp tục tái cơ cấu các dòng sản phẩm, sẽ có hướng đi và thương hiệu để cạnh tranh lại sản phẩm từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Về chiến lược R&D, thị trường điện lạnh thế giới tập trung vào bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện. Riêng Reetech tập trung vào tiết kiệm điện. Reetech cũng không bỏ qua mảng phân phối cho đại lý.
Về thị trường xuất khẩu, năm 2015, Reetech xuất khẩu sang thị trường mới là Cuba trên 2 triệu USD. Trong 3-5 năm nữa, chúng ta còn cơ hội nhưng sau đó sẽ mất cơ hội. Đại diện REE cho biết khách hàng đánh giá cao chất lượng. Từ năm 2016 trở đi, Reetech sẽ tăng sản lượng xuất khẩu lên khoảng trên 5 triệu USD. Ngoài ra, REE sẽ quan tâm đến thị trường Myanmar, mặc dù sản phẩm máy lạnh chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt với Trung Quốc tại thị trường này. Ngoài ra còn có thị trường Trung Đông, nhưng lại gặp rủi ro về thanh toán.
Trả lời cổ đông về thời gian hạch toán dự án Vũng Áng 2, bà Mai Thanh cho biết REE đã nhận khoản chuyển nhượng từ nhà đầu tư ngoại 60%, còn lại 40% là 3,8 triệu USD. Dự án BOT này hiện chỉ còn hồ sơ mua bán điện là chưa xong. REE đang hỗ trợ đối tác nước ngoài hoàn tất hồ sơ để sớm nhận lại khoản tiền trên. Dự kiến, trễ lắm là quý III sẽ nhận lại được.
Về nới room, REE hiện có ngành bất động sản là ngành kinh doanh có điều kiện. Đối vối room, khi vượt quá 51% được xem là công ty nước ngoài. Lãnh đạo REE cho biết đây là vấn đề chưa được rõ ràng, cần tiếp tục quan sát thêm, và khi cần huy động vốn, chúng tôi sẵn sàng mở room.
Kế hoạch năm 2016 lãi tối thiểu 921 tỷ đồng, tăng 22,5%
Tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc REE cho biết, năm 2016, REE lên kế hoạch đạt doanh thu tối thiểu 2.933 tỷ đồng và phấn đấu đạt con số 3.183 tỷ đồng, tăng tương ứng 20,4% và 11% so với kết quả thực hiện năm 2015.
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2016 đạt tối thiểu 921 tỷ đồng, tăng 22,5% và phấn đấu đạt 986 tỷ đồng, tăng 15,6%.
Trong hai năm 2017, 2018, REE dự kiến mức doanh thu là 3.428 tỷ đồng và 4.187 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,7% và 22,1%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến trong hai năm này là 1.143 tỷ đồng và 1.319 tỷ đồng, tăng tương ứng 16% và 15,4%.
Về mảng dịch vụ cơ điện công trình (REE M&E), kế hoạch năm 2016, REE dự kiến đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, tăng 15,2%, lợi nhuận sau thuế 185 tỷ đồng, giảm 9,9%.
REE dự kiến doanh thu cho mảng này trong hai năm 2017, 2018 sắp tới là 1.600 tỷ đồng (tăng 6,7%) và 1.700 tỷ đồng (tăng 6,3%), lợi nhuận sau thuế lần lượt trong hai năm này là 190 tỷ đồng (tăng 2,7%) và 200 tỷ đồng (tăng 5,3%). Tuy nhiên theo bà Thanh, con số này vẫn còn khiêm tốn và cho rằng kết quả thực hiện sẽ không dưới 10% cho 3 năm kế tiếp.
Trong lĩnh vực xây dựng, bà Thanh cho biết REE muốn cung cấp thiết bị cho các cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà máy... và không quan tâm đến các dự án nhà ở. Theo bà Thanh, mảng nhà ở tốn nhân công nhưng lợi nhuận thấp, các chủ đầu tư đều tự mua thiết bị, REE không được cung cấp thiết bị chính. Nếu tham gia làm căn hộ thì doanh thu sẽ tăng nhanh nhưng tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm. Bên cạnh đó, bà Thanh cũng khẳng định, "lợi nhuận phụ thuộc vào việc chúng ta mua sắm thế nào, giảm 1% chi phí mua sắm sẽ bổ sung trực tiếp vào lợi nhuận".
Về Reetech, kế hoạch doanh thu mảng này năm 2016 đạt 600 tỷ đồng, tăng 3,8% và lợi nhuận sau thuế 35 tỷ đồng, tăng 3,3%. Kế hoạch trong hai năm 2017, 2018 sắp tới, REE dự kiến đạt doanh thu lần lượt là 720 tỷ đồng (tăng 20%) và 861 tỷ đồng (tăng 19,6%). Lợi nhuận sau thuế dự kiến trong hai năm này là 45 tỷ đồng (tăng 29,3%) và 56 tỷ đồng (tăng 23,9%). Năm 2016, REE sẽ xuất khẩu thiết bị sang Cuba.
Bà Thanh cho rằng mảng thương mại và phân phối của Reetech phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt, với ưu thế thuộc về hai hãng Nhật là Panasonic và Daikin. Hiện, Reetech chiếm 2% thị phần, chủ yếu ở miền Nam. Mảng dự án tiếp tục tái cơ cấu và tập trung vào phân phối, bán sản phẩm sky-air, CAC và đối đầu với các thương hiệu Nhật, hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia...
Về mảng bất động sản, kế hoạch năm 2016 đạt doanh thu 783 tỷ đồng, tăng 52,9% và lợi nhuận sau thuế đạt 340 tỷ đồng, giảm 0,7%. Trong đó, hoạt động cho thuê văn phòng chiếm 533 tỷ đồng doanh thu, tăng 4,1% và doanh thu ghi nhận từ các công ty liên doanh liên kết là 250 tỷ đồng. Năm nay, REE dự định đưa VID thành công ty co và hiện REE đang nắm quyền điều hành công ty này.
Trong hai năm tiếp theo, REE dự kiến mảng bất động sản đem về doanh thu 808 tỷ đồng (tăng 3,2%) và 1.026 tỷ đồng (tăng 27%). Lợi nhuận 2017 và 2018 lần lượt là 369 tỷ đồng (tăng 8,7%) và 435 tỷ đồng (tăng 17,7%).
REE cũng sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ Reeland từ năm 2018 với 143 tỷ đồng và lợi nhuận là 37 tỷ đồng. Dự kiến REE sẽ phát triển thêm 30.000m2 trên nền tảng etown 4 và etown ew để làm văn phòng.
Về tiến độ dự án etown Central, REE dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2017 và ghi nhận doanh thu từ tháng 1/2018. Đây là dự án có tổng diện tích 67.755m2 với 5 tầng hầm và 26 tầng cao, tổng diện tích văn phòng cho thuê là 34.118m2.
Hiện REE đang khẩn trương mở rộng vì các công ty thuê văn phòng tại đây muốn thuê thêm mặt sàn để mở rộng văn phòng. Khách thuê của REE là các công ty đa quốc gia với diện tích thuê lớn và luôn muốn mở rọng diện tích thuê hằng năm.
Về mảng điện, kế hoạch doanh thu 2016 đạt 300 tỷ đồng, tăng 19,5%, lợi nhuận 358 tỷ đồng, tăng 65,8%. Bà Thanh đánh giá năm 2016 sẽ là năm khó khăn với ngành thủy điện vì hạn hán.
Trong ngành nhiệt điện, công thức tính giá điện có tính chênh lệch tỷ giá nhưng cho đến 2015 vẫn chưa được đưa vào giá thành điện trong phương án giá điện bán cho EVN. Hệ quả PPC, QNP đều phải gánh chi phí tài chính. Khoản này vẫn còn treo lại chờ hướng dẫn xử lý từ chênh lệch tỷ giá với giá trị lớn, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung mặc dù kết quả sản xuất điện khá.
Về ngành nước, REE dự kiến ghi nhận lợi nhuận sau thuế 2016 là 68 tỷ đồng, tăng 51,4%.
Cổ tức 2016 không thấp hơn 12%/vốn
Năm 2016, REE đề xuất ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định mức chi trả cổ tức nhưng không thấp hơn 12% trên vốn điều lệ.
Hội đồng quản trị REE đề xuất kế hoạch cổ tức 25%, bao gồm 10% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu. Theo đó, REE đã chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền vào ngày 29/2/2016 và dự kiến chi 269,6 tỷ đồng trả cổ tức vào ngày 1/4/2016.
Về cổ tức bằng cổ phiếu, REE dự kiến phát hành 40,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện 20:3 để trả cổ tức trong quý II/2016.
Năm 2015, REE đạt 2.643 tỷ đồng doanh thu thuần và 853 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành lần lượt 95,17% kế hoạch doanh thu và 91,04% kế hoạch lợi nhuận.
Trường Văn