ĐHCĐ PVX: 6 tháng đầu năm, ước lỗ khoảng 300 - 400 tỷ
Tham dự đại hội có 50 cổ đông đại diện cho 61,6% số cổ phần có quyền biểu quyết.
9h20, ông Bùi Ngọc Thắng – chủ tịch HĐQT đọc báo cáo về KQKD năm 2013 và kế hoạch 2014.
Báo cáo của HĐQT về kết quả kinh doanh năm 2013 cho biết trong năm 2013, Công ty mẹ PVC triển khai chủ yếu là các công trình/dự án chuyển tiếp (Vũng Áng, Thái Bình,...), đối với các phần việc mới (dự án Nghi Sơn, Viện Dầu khí phía Nam, dự án Âu tàu Rạch Chanh) đều đang trong giai đoạn chuẩn bị hoặc bắt đầu triển khai vào các tháng cuối năm, chậm so với dự kiến ban đầu, dẫn đến sản lượng/doanh thu thực hiện cả năm đạt thấp.
Theo đó, tổng giá trị SXKD của Tổng công ty này năm 2013 là 5.745 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt gần 5.300 tỷ - vượt 17,8% so với kế hoạch, trong đó doanh thu của công ty mẹ là 2.356 tỷ. Tuy nhiên, do phải trích lập chi phí dự phòng quá lớn, PVX đã lỗ hợp nhất sau thuế 2.228 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh này chưa bao gồm các khoản tiềm ẩn lỗ như: các khoản lỗ do chi phí dở dang nằm trong phần phát sinh các công trình chưa được chủ đầu tư phê duyệt, các khoản lỗ tại các đơn vị thành viên chưa thể hiện hết, các khoản phải thu của các đơn vị đang rất khó khăn về tình hình tài chính như PVC-SG, PVC-ME, PVC-HN, PVC-MT… và các khoản PVC đứng ra bảo lãnh vay vốn cho các đơn vị thành viên đã quá hạn.
BCTC kiểm toán của PVX cho biết tính đến ngày 31/12/2013, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế 3.262 tỷ đồng. Quý I/2014, PVX cũng tiếp tục lỗ hơn 167 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm cuối quý 1 năm 2014, lỗ lũy kế chưa phân phối của PVX là 3.360 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ tại cùng thời điểm là 4.000 tỷ đồng
Trước đó, PVX đã thoát án hủy niêm yết do báo cáo kiểm toán năm 2011 bất ngờ thay đổi từ lỗ sang lãi.
Ông Bùi Ngọc Thắng nhận định, ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan dẫn đến kết quả thua lỗ này là do sự yếu kém trong quản trị điều hành đã tích lũy qua một thời gian dài.
Năm 2014, PVX đặt kế hoạch giá trị sản xuất kinh doanh là 8.500 tỷ đồng – tăng 47,9% và doanh thu là 7.500 tỷ - tăng 41,5% so với năm 2013. Kế hoạch lợi nhuận được bỏ ngỏ.
Với những diễn biến mới nhất về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Ban lãnh đạo PVC chủ trương trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung xử lý những tồn tại trước đây, xử lý những hồ sơ quyêt toán tồn đọng, triển khai các dự án lớn.
“Dự án Vũng Áng ngày 30/06 sẽ cơ bản rút quân, coi như xong. Dự án Thái Bình cũng hoàn thành đúng tiến độ với vai trò của tổng thầu. Các dự án nhỏ khác vẫn đang triển khai.” – ông Thắng cho biết.
Trong năm 2013, PVX đã thoái vốn thành công tại PSA thu về 7,14 tỷ đồng (vốn đầu tư ban đầu là 6,8 tỷ) và hạch toán 340 triệu đồng lợi nhuận. Năm 2014, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí và các đơn vị vẫn tiếp tục tìm kiếm và làm việc với các đối tác để chuyển nhượng phần vốn góp.
Với đề án tái cơ cấu, PVC không kinh doanh bất động sản mà tập trung vào mảng kinh doanh chính. Mục tiêu sau 2015, PVC là đơn vị chủ lực của PVN chuyên các DA trên bờ.
“99% doanh thu mang lại cho tổng công ty là từ Tập đoàn dầu khí, PVN coi PVC như công ty con mặc dù chỉ sở hữu 55%” – ông Thắng nhận định nhờ vậy kế hoạch doanh thu này rất khả quan.
Kết quả 6 tháng đầu năm, PVC tiếp tục lỗ khoảng 300- 400 tỷ. HĐQT đưa ra 2 kịch bản:
Một là, năm 2014 tiếp tục lỗ 1.000 tỷ, khiến cho PVC hết vốn chủ sở hữu.
Hai là, Nhờ tập đoàn tái cơ cấu lại các khoản nợ, trích lập dự phòng được phân bổ vào các năm sau. Như thế, PVN chịu giảm lãi và lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 của PVC khoảng 3.600 tỷ.
Ông Thắng cho biết, tuần qua PVC vừa thoái vốn được thêm tại một công ty là Fecon Mining, thu về 45 tỷ .
Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ