ĐHCĐ MWG: Chi 500 tỷ để M&A trong ngành điện máy hoặc bán lẻ khác
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) chiều nay (31/3) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.
Năm 2016, MWG đạt doanh thu 44.613 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế tăng 47% khi đạt 1.578 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông là 15% bằng tiền.
Cũng trong năm qua, MWG mở 570 siêu thị mới trên toàn hệ thống, nâng tổng số siêu thị của MWG lên con số 1.207, trong đó có 951 siêu thị Thế giới di động và 256 siêu thị Điện máy Xanh.
Ngoài ra, công ty cũng hoàn tất giai đoạn thử nghiệm chuỗi siêu thị mini Bách hóa Xanh với hơn 40 cửa hàng chính thức hoạt động ở quận Tân Phú, TPHCM. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc MWG, chuỗi siêu thị này được định hướng là một chợ thu nhỏ, kết quả thử nghiệm vừa rồi được cho là thành công với doanh thu đạt 900 triệu - 1 tỷ đồng/cửa hàng, vượt hơn mong đợi.
MWG đang lên kế hoạch đầu tư thêm 500 tỷ đồng cho chuỗi Bách hóa Xanh trong quý II/2017 từ nguồn vốn tự có hoặc lợi nhuận giữ lại chưa phân phối.
Năm nay, MWG lên kế hoạch đạt 63.280 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD) doanh thu thuần và 2.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 42% và 39% so với năm trước. Trong đó, doanh thu online dự kiến đạt 6.650 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi năm trước. MWG cũng đề ra mục tiêu mở thêm khoảng 200 siêu thị Điện máy Xanh mới.
Hội đồng quản trị MWG cũng trình phương án phát hành gần 154 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tức mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận một cổ phiếu phát hành thêm. Sau đợt phát hành, Thế giới Di động sẽ tăng vốn điều lệ lên gần 3.078 tỷ đồng.
Công ty tính lập công ty công nghệ thông tin tại Khu Công nghệ cao (quận 9) với số vốn đầu tư ban đầu là 135 tỷ đồng, đồng thời dự tính chi 500 tỷ đồng cho các thương vụ M&A.
Theo ông Tài, MWG có hai hướng M&A. Thứ nhất là thực hiện mua toàn bộ một chuỗi sản phẩm điện máy nhằm tăng tốc. Hướng thứ hai, MWG có thể mua từ 20-40% chuỗi bán lẻ của một sản phẩm khác. "Chúng tôi nhìn vào đội ngũ họ mua, không quan tâm những gì họ có và hà hơi tiếp sức để họ phát triển", ông Tài nói và cho rằng đến thời điểm chín muồi sẽ tăng sở hữu tại các chuỗi này. Tuy nhiên, số tiền cho cho M&A sẽ không vượt quá 500 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Tài cho biết động lực tăng trưởng trong hai năm 2017, 2018 có thể sẽ đến từ Điện máy Xanh và một phần từ TGDĐ, còn Bách hóaXanh sẽ chưa đóng góp nhiều. Nếu thử nghiệm thành công, có thể MWG sẽ mở vài ngàn shop Bách hóa Xanh. Sau 2018, động lực tăng trưởng chủ lực có thể sẽ đến từ Bách hóa Xanh.
Về chuỗi Bách hóa Xanh, theo ông Trần Kinh Doanh, Thành viên HĐQT MWG, trong năm 2017, MWG sẽ mở khoảng 300 siêu thị Bách hóa Xanh ở hai quận TPHCM. Các mặt bằng đang thuê hiện cũng gần đạt 100 cửa hàng. Hàng hóa sẽ được tập trung về một trung tâm rồi được chuyển đến các shop, nhằm giảm thiểu bớt chi phí giao nhận, logistics. Lãi gộp Bách hóa Xanh đang khá thấp, với tiến độ tăng trưởng hiện nay, đến cuối năm có thể đạt 16-18%, ông Doanh cho hay. Danh mục hàng hóa bán đang của chuỗi bán lẻ này cũng đang được quy hoạch lại, còn 1.600-1.800 loại sản phẩm có nhu cầu lớn.
Chia sẻ với cổ đông về kế hoạch tiến ra nước ngoài, ông Tài cho biết Campuchia là bước thử đầu tiên. "MWG luôn làm ở trạng thái thận trọng, cho đến khi tìm được điều gì chắc chắn mới tăng tốc lên", ông khẳng định. Cũng theo ông Tài, Myanmar là thị trường ngon lành cho điện máy và điện thoại, trong khi thị trường Indonesia là điện máy.
Trường Văn