ĐHCĐ HVG: Sản xuất thêm cá minh thái, ưu tiên sản xuất thức ăn chăn nuôi
Sáng nay (9/4), Công ty Cổ phần Hùng Vương HVG tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015.
Theo nội dung tờ trình Đại hội, công ty lên kế hoạch kinh doanh năm 2015, kết thúc ngày 30/9 với doanh thu hợp nhất 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 560 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến chi trả 30% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, hoặc kết hợp cả tiền mặt lẫn cổ phiếu.
Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 sẽ đạt khoảng 600 - 700 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu cá tra từ 300 - 500 triệu USD. Doanh số nội địa từ mảng thức ăn đạt từ 9.000 - 10.000 tỷ đồng.
Theo ông Minh, thị trường tôm còn khá khó khăn, không cải tiến chất lượng và giá trị gia tăng thì không cạnh tranh được với Ấn Độ. Giá nguyên liệu Ấn Độ thấp hơn Việt Nam 1-2 USD, giá bán cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, HVG đặt mục tiêu đến năm 2015, hệ thống chế biến và suất khẩu tôm đạt trên 300 triệu USD. Phát huy các trại giống tại Ninh Thuận để có tiêu chuẩn khép kín, đáp ứng đòi hỏi thị trường về chất lượng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2015 của HVG theo niên độ tài chính mới. |
HĐQT cũng đưa ra phương án thay đổi niên độ tài chính công ty, thay đổi từ năm 2015, năm tài chính sẽ kết thúc vào ngày 30/9. Niên độ chính các năm tiếp theo sẽ bắt đầu từ ngày 1/10 và kết thúc vào ngày 30/9 năm kế tiếp.
Năm 2014, công ty đạt doanh thu thuần 14.901,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 424,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 44% so với năm 2013. EPS cả năm đạt 2.201 đồng.
Công ty đã thực hiện chi trả cổ tức 10% năm 2014 bằng tiền cho cổ đông, thanh toán ngày 24/1/2015.
Ngoài ra, công ty thực hiện chuyển 40 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư và phát triển sang Quỹ khen thưởng và phúc lợi nhằm khắc phục tình trạng giá trị âm của Quỹ khen thưởng phúc lợi tại thời điểm 31/12/2014. Sau khi điều chuyển, Quỹ đầu tư và phát triển có giá trị 189,7 tỷ đồng, Quỹ khen thưởng và phúc lợi là 38,3 tỷ đồng.
Năm 2014, công ty cũng đã phát hành 2 đợt trái phiếu với tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng cho trái chủ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Ưu tiên sản xuất thức ăn chăn nuôi
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG, năm 2018, Công ty có kế hoạch đạt sản lượng 1,5 triệu - 1,8 triệu tấn/năm. Đến 2020, doanh số thức ăn chăn nuôi phải đạt từ 18 - 20 nghìn tỷ đồng.
Năm 2014, HVG gia tăng lĩnh vực thức ăn thủy sản, quý I/2015, mảng thức ăn chăn nuôi của Hùng Vương tăng 45% sản lượng so với cùng kỳ năm trước.
Ông Dương Ngọc Minh cho biết, giai đoạn 2015 - 2018, HVG nhìn nhận xu hướng thị trường nông sản thế giới ở mức định giá thấp nhất, thấp hơn cả đợt ảnh hưởng từ sóng thần Nhật Bản. Đây là cơ hội để HVG phát triển chế biến, xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động mua bán thị trường thức ăn thủy sản.
Tính đến hiện tại, thức ăn thủy sản Hùng Vương là 1 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. "Một điều chúng ta có thể tự hào là 1 doanh nghiệp có sản phẩm trên 1 tấn/năm cho mặt hàng thủy sản, là doanh nghiệp đứng đầu thế giới", ông Minh nói.
Năm 2015, HVG tiếp tục mở rộng nhà máy thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, nâng công suất lên 750.000 tấn/năm. Hiện, công ty đang triển khai dự án và sẽ hoàn tất vào tháng 7/2015.
Sản xuất mặt hàng cá minh thái với liên doanh "tay ba"
Ông Dương Ngọc Minh cho biết, trên cơ sở giá nông sản thế giới trong 3 năm tới vẫn ở điểm đáy, giá thành cá tra trong 3 năm tới thấp hơn 10% gia thành năm 2014. Đây là cơ sở để nói giá thành cá tra vẫn còn sức hấp dẫn trong vấn đề tiêu thụ. Hùng Vương còn biên độ rộng, không có sức ép cạnh tranh.
Cũng theo ông Minh, trong 3 năm tới, HVG sẽ đầu tư 3 nhà máy chế biến cá tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre với công suất hơn 200.000 tấn/ngày. Trong 3 nhà máy này, Hùng Vương sản xuất thêm mặt hàng cá minh thái đưa từ Nga về.
HVG cũng sẽ thành lập liên doanh tay ba gồm một Tập đoàn đánh bắt của Nga (nhà cung cấp) - Hùng Vương - Tập đoàn Châu Âu (tiêu thụ). Ông Minh không nêu tên các tập đoàn này, nhấn mạnh HVG có nhiệm vụ nhận nguyên liệu từ Nga, dịch chuyển về Việt Nam.
Theo ông Minh, HVG sẽ có 1 liên doanh vững chắc về chế biến và xuất khẩu, được phép bán toàn bộ vào thị trường châu Âu, kể cả những nước như Úc, Canada, Mỹ - những thị trường yêu cầu giấy phép đánh bắt. Đây cũng là sự dịch chuyển về vấn đề nguyên liệu, thị trường: vừa chế biến vừa xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu về được giá ưu tiên nhất.
Ngoài ra ông Minh còn tiết lộ, hiện Hùng Vương cũng tham gia vào việc hình thành liên doanh đầu tư vào khu Công nghiệp tại Matxcova, gồm 3 cổ đông BIDV, HVG và phía Nga. Giấy phép đã ký, HĐQT đã thành lập, đầu tháng 5/2015, đoàn làm việc cấp cao của Việt Nam sang Nga sẽ công bố việc đầu tư này.
Vốn điều lệ năm 2018 sẽ được tăng lên đến 2.500 tỷ đồng
Trong phiên thảo luận, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT nói vốn điều lệ đến năm 2018 sẽ tăng được từ 1.800 tỷ đồng lên 2.300 – 2.500 tỷ đồng bằng phương thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Vốn điều lệ kế hoạch này HVG chưa tính đến việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư. Hiện rất có nhiều nhà đầu tư tiếp xúc với HVG để đầu tư vào công ty.
Giải đáp về kế hoạch kinh doanh 2015 của Công ty có quá cao, Chủ tịch HVG cho biết, từ khi HVG lên sàn niêm yết chưa bao giờ bị bể kế hoạch kinh doanh đề ra. Kế hoạch doanh thu 20.000 tỷ đồng năm 2015 là một kế hoạch phòng thủ. Trên thực tế, HVG chắc chắn phải đạt mức cao hơn. Biên lợi nhuận kế hoạch chỉ 4% (lợi nhuận 800 tỷ đồng), nhưng thực tế chênh lệch giá đầu vào và đầu ra đã đạt được 10%.
Trả lời câu hỏi cổ đông về quỹ đất, ông Dương Ngọc Minh cho biết giá vốn 2 miếng đất ở An Lạc (6.000m2 ở Hồng Bàng, và 3.000m ở Phạm Đình Hổ) chưa đến 270 tỷ đồng, giá thị trường hiện nay khoảng 500 tỷ đồng. HVG đang chọn đối tác để giao quỹ đất này. HVG vẫn còn nhiều tài sản đất đai khác chưa được định giá lại (6 hacta ở KCN Tân Tạo, diện tích đất các kho lạnh). Phần lớn các tài sản của HVG đều đã khấu hao hết.
Đánh giá về thị trường Nga và liên doanh với Nga, ông Dương Ngọc Minh nói, Việt Nam đã chấp thuận cho phép HVG đầu tư hợp tác liên doanh với phía Nga (BIDV 40%, HVG 40%, đối tác Nga 20%). Về phía Nga, trong chuyến đi cấp cao từ ngày 7/05 – 10/05/2015 sẽ có ký kết giữa Tp. Hồ Chí Minh với Matxcova để công bố quyết định đầu tư.
HVG còn liên danh giữa Tập đoàn đánh bắt của Nga, 1 doanh nghiệp Châu Âu để cung cấp nguyên liệu chế biến, xuất khẩu. Đồng Rube mất giá tạo điều kiện thuận lợi cho HVG. Việc BIDV đạt thỏa thuận thanh toán với Ngân hàng của Nga trong chấp nhận cho các doanh nghiệp Việt Nam thanh toán bằng đồng Rube và VND. Điều này sẽ đưa đến thuận lợi cho HVG.
Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua tất cả tờ trình.
Nguồn DVO