ĐHCĐ HDBank: Chia cổ tức 5%, sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài
Kế hoạch lợi nhuận 830 tỷ đồng
Theo báo cáo trình bày tại đại hội, năm 2014 là năm đầu tiên HDBank hoạt động trên nền tảng vừa sáp nhập thành công DaiABank vào HDBank và mua lại 100% vốn Công ty Tài chính Việt (SGVF). Do đó, ngay từ đầu năm ngân hàng đã dành ưu tiên hàng đầu cho các nhiệm vụ quan trọng như ổn định bộ máy, tổ chức, hoạt động an toàn và kinh doanh hiệu quả.
Với sức mạnh của 3 định chế tài chính cộng hương lại, HDBank đã đạt kết quả kinh doanh khả quan, trong đó tổng tài sản đạt xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với 2013. Huy động vốn đạt hơn 88.600 tỷ với mức tăng 16%; dư nợ cho vay đạt hơn 54 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2013. Nợ xấu chiếm 1,4% trên tổng dư nợ.
Lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,6%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 6,9%.
Năm 2015 ngân hàng đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên gần 121 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với 2014; huy động vốn tăng 11,5%; tăng trưởng tín dụng tăng 11%; lợi nhuận trước thuế 830 tỷ đồng. ROA duy trì ở 0,6% và ROE là 8%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Chia cổ tức 5%
Về phương án phân phối lợi nhuận 2014, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của HDBank là hơn 427 tỷ đồng, trong đó lãi chia cổ tức là 405 tỷ. Ngân hàng sẽ chia cổ tức 5% bằng cổ phiếu.
Tiếp tục tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài
Đại hội cũng trình cổ đông một loạt các tờ trình, đáng chú ý có việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.
Cụ thể, theo lãnh đạo HDBank, năm 2014 do HĐQT tập trung nguồn lực nhằm triển khai việc tái cơ cấu, tích hợp hai tổ chức tín dụng sau sáp nhập và phát triển mạnh mạng lưới nên công tác tìm kiếm đối tác chiến lược chưa đạt yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, song song quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập, HĐQT tiếp tục tiếp xúc và làm việc với các đơn vị tư vấn để đưa các đối tác chiến lược nước ngoài có thế mạnh về tài chính cũng như về việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, hợp tác phát triển kinh doanh các sản phẩm dịch vụ…
HĐQT đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định tổ chức, chỉ đạo, triển khai các phương án tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài tham gia vào HDBank.
Cổ đông hỏi, lãnh đạo ngân hàng trả lời
Cổ đông hỏi: Mức cổ tức 5% là hợp lý, tuy nhiên phương thức chia bằng cổ phiếu thì cần xem lại vì ngân hàng đã có lợi nhuận, đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ thì nên chia cổ tức cho cổ đông. Với quy mô hiện tại, HDBank chưa cần thiết phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn mà nên chia sẻ với các cổ đông đã gắn bó với ngân hàng từ trước tới nay.
Cổ đông kiến nghị thay đổi chia cổ tức bằng cổ phiếu bằng tiền. Cổ đông sẽ ủy quyền cho HDQT trình lên NHNN phê duyệt điều này.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT trả lời
Chủ tọa đoàn xin ghi nhận ý kiến của cổ đông và sẽ ghi lại vào biên bản đại hội.
Cổ đông hỏi: Thời gian qua NHNN triển khai tái cấu trúc hệ thống. Làm sao để HDBank phát triển hiệu quả và nằm trong top đầu. Việc sáp nhập thêm TCTD mới có kế hoạch hay không? .
Bà Lê Thị Băng Tâm, chủ tịch HĐQT trả lời
Năm 2014 ngân hàng đã trình chiến lược phát triển. HĐQT xin chủ trương về nguyên tắc để cổ đông cho ý kiến, trên cơ sở đó ban điều hành, HĐQT sẽ ngồi lại và nghiên cứu chiến lược phát triển sao cho phù hợp.
Hiện nay ngân hàng chưa có kế hoạch cụ thể. Nếu có cơ hội tốt thì chúng ta sẽ xem xét.
Hiện nay HĐQT đã tìm kiếm đối tác chiến lược nào?
Bà Lê Thị Băng Tâm trả lời: Việc tìm kiếm đối tác chiến lược là mục tiêu xuyên suốt mà HĐQT đã triển khai. Thời gian qua ngân hàng đã có nhóm nghiên cứu, đã có nhiều đối tác chiến lược đến tìm hiểu, từ Mỹ và Đông Âu cũng đều có. Chúng tôi sẽ tìm hiểu đối tác phù hợp, có lợi cho cổ đông ngân hàng để quyết định lựa chon đối tác có lợi nhất rồi đưa ra quyết định một cách thận trọng.
Bao giờ HDBank niêm yết trên thị trường chứng khoán?
Bà Lê Thị Băng Tâm: Năm 2014 chúng ta phải tái cơ cấu và tích hợp hoạt động sau sáp nhập 2 tổ chức.
Giá cổ phiếu trên thị trường hiện nay chưa có lợi nên HDBank thấy rằng chưa phù hợp để niêm yết. Năm 2015 chúng tôi đặt mục tiêu sẽ niêm yết nhưng phải trong điều kiện thị trường thuận lợi. Nếu niêm yết thuận lợi thì thực hiện, còn nếu không có lợi cho cổ đông, cho ngân hàng thì chưa niêm yết.
(Tiếp tục cập nhật...)
Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ