ĐHCĐ Cảng Sài Gòn: Hai nhà đầu tư chiến lược VietinBank và VPBank xin thoái hết vốn
Sáng nay (25/4), Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (mã SGP) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016.
Theo tờ trình Đại hội, hai cổ đông chiến lược là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) xin thoái toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Cảng Sài Gòn.
Hiện, VietinBank đang nắm 19.616.627 cổ phần, chiếm tỷ lệ 9,07% vốn điều lệ và VPBank đang nắm 16.090.000 cổ phần SGP, chiếm 7,44% vốn.
Tờ trình của hai ngân hàng trình lên ĐHĐCĐ SGP cho biết việc thoái vốn này là nhằm thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển nợ vay của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại VietinBank và VPBank thành vốn góp tại Cảng Sài Gòn. Theo đó, NHNN yêu cầu VietinBank và VPBank xây dựng kế hoạch và triển khai bán các khoản góp vốn, mua cổ phần tại SGP ngay khi điều kiện thị trường cho phép để thu hồi vốn.
Theo quy định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần đã mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm, trường hợp đặc biệt phải được ĐHĐCĐ chấp thuận. Do đó, hai ngân hàng trình Đại hội thông qua vấn đề này.
Về kế hoạch năm 2016, Cảng Sài Gòn cho biết, năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn khi tình hình cạnh tranh trong khu vực gay gắt. Cùng với đó, cảng Nhà Rồng Khánh Hội thực hiện lộ trình di dời và hoàn tất bàn giao toàn bộ cảng vào thời điểm 31/12/2016. Trong thời gian này, cảng vẫn tiếp tục khai thác trên diện tích còn lại và cầu cảng, nhưng có tới 5 đơn vị trực thuộc Cảng Sài Gòn bị tác động do đang khai thác tại cảng này.
Dự án Càng Sài Gòn - Hiệp Phước chưa hoàn tất, tiến độ chậm nhưng khó đẩy nhanh do phải chờ thủ tục phê duyệt của Nhà nước. Hiện dự án đã xây được 200m cầu tàu và đang thực hiện các hạng mục kho bãi, kè cầu cảng... Kế hoạch đến tháng 6/2016, cảng sẽ hoàn tất 400m cầu tàu và thực hiện thủ tục công bố cảng để đưa vào khai thác. Trong năm 2015, cảng đã khai thác tạm được gần 150 nghỉn tấn.
Do vậy, Cảng Sài Gòn đặt kế hoạch năm nay đạt 8,9 triệu tấn hàng hóa thông qua, giảm gần 13% so với sản lượng trong năm 2015. Kế hoạch doanh thu 775 tỷ đồng và lợi nhuận 50 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả thực hiện năm 2015.
Trong năm 2016, để phát triển dịch vụ mới, Cảng Sài Gòn sẽ cùng với Khahomex lập dự án văn phòng số 66-68-70 Nguyễn Tất Thành với diện tích 580m2. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 54 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2017 bắt đầu góp vốn. Ngoài ra, Cảng Sài Gòn cũng đang cùng với Công ty Transimex và Vinafreight thành lập Trung tâm phân phối Tân Thuận.
Tại phiên thảo luận, cổ đông thắc mắc vì sao khoản lỗ trong liên doanh, liên kết đã diễn ra nhiều năm nhưng không hạch toán mà lại dồn sau cổ phần hóa. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Kế toán trưởng Cảng Sài Gòn, cho biết lúc trước SGP góp cùng Vinalines nên Tổng Công ty hợp nhất vấn đề này. Từ ngày 5/1, Vinalines có công văn yêu cầu hợp nhất nên SGP mới hợp nhất khoản đầu tư này. Theo phương án đã đưa ra, trong giai đoạn năm 2015-2020, SGP sẽ trích lập gần 800 tỷ đồng. Từ quý IV đã trích 689 tỷ đồng, năm 2016 kế hoạch trích thêm hơn 106 tỷ đồng. Khi cổ phần hóa chưa tính đến trượt giá nên con số này dự kiến sẽ còn tăng.
Theo ông Hồ Lương Quân, Thành viên HĐQT SGP, các liên doanh hỉnh thành để đầu tư các bến tàu để phát triển cảng trung chuyển sau khi di dời Cảng Sài Gòn. Nhật Bản đã đầu tư 2 bến, SGP phải đầu tư thêm 4 bến nữa theo chỉ đạo. Để cạnh tranh với Singapore, Hong Kong, SGP phải hợp tác với nước ngoài. Tuy nhiên giá xếp dỡ container tử mức định giá ban đầu là 57 USD giảm xuống còn khoảng 20 USD - thấp nhất khu vực. Theo kế hoạch xây dựng lỗ liên doanh trong 2, 3 năm nhưng với giá thấp, thời gian lỗ sẽ còn kéo dài. Hai năm gần đây, SGP đã được áp dụng mức giá sàn là 46 USD.
Ông Quân cũng cho biết, hết năm nay, SGP sẽ di dời ra khỏi cảng Nhà Rồng Khánh Hội. Trong khi Tân Cảng đã vượt quá công suất nhưng sản lượng ngày càng tăng. CMIT năm nay sản lượng gần đầy, còn SSIT năm sau sẽ được đưa vào khai thác. Triển vọng chưa đến ngay nhưng sẽ giảm lỗ trong năm 2016. Bên cạnh đó, công ty sẽ cố gắng thu được những khoản tiền nợ từ các liên doanh, liên kết.
Về việc góp vốn với Vingroup và Công ty Bến Nghé tại dự án Nhà Rồng Khánh Hội, ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT SGP, cho biết các bên liên quan sẽ tăng vốn lên để thực hiện dự án. Hiện vốn góp của SGP là 300 tỷ đồng, tương đương góp 26%. Do tình hình tài chính không thuận lợi nên SGP không thể thu xếp để tăng vốn. Do đó, SGP đã trình Thủ tướng về việc giảm tỷ lệ góp vốn và hiện đang tiến hành thẩm định giá quyền góp vốn để chuyển nhượng phần vốn tăng lên cho hai đối tác còn lại. Ông Cường nhận định, không tham gia góp vốn nữa sẽ có lợi cho Cảng Sài Gòn hơn.
Năm 2015, Cảng Sài Gòn đạt tổng cộng hơn 10 triệu tấn hàng hóa thông qua. Theo đó, công ty đạt doanh thu 1.046 tỷ đồng và lợi nhuận 85,5 tỷ đồng. Theo SGP, năm 2015 được kết quả cao là do doanh thu từ dịch vụ bốc xếp tăng mạnh nhờ việc điều chỉnh cước bốc xếp, tăng lượng hàng hóa quay vòng lưu kho bãi...
Trường Văn