DHC đặt niềm tin vào giấy kraft
Tháng 9 tới đây, Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre ( DHC) dự kiến sẽ khởi xây nhà máy giấy kraft Giao Long giai đoạn 2. Đây là động thái mang tính bước ngoặt và rất được nhà đầu tư kỳ vọng. Theo chia sẻ của ông Lê Bá Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DHC, một khi hoàn thành vào năm 2017, nhà máy này sẽ giúp nâng cao công suất sản xuất lên gấp 3 lần hiện tại, gia tăng năng lực cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần, cũng như đóng góp lớn vào tăng trưởng dài hạn cho DHC.
DHC hiện là doanh nghiệp đứng thứ 4 về sản xuất giấy kraft công nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhà máy Giao Long 2 đi vào hoạt động, vị thế này của DHC có thể sánh ngang với các công ty có vốn nước ngoài (FDI) do tổng công suất sản xuất cả 2 nhà máy giấy của Công ty sẽ đạt 210.000 tấn/năm.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Nhất Việt ước lượng, nếu nhà máy Giao Long 2 có thể vận hành được 80% công suất thiết kế, doanh thu hằng năm của DHC có thể đạt 1.600 tỉ đồng. Trường hợp nhà máy Giao Long 2 hoạt động hết công suất, EPS (lợi nhuận/cổ phiếu) của DHC có thể cán mức 8.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2020.
Theo thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, giấy công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng 15-17%/năm. Tăng trưởng cao là vậy, nhưng nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.
Vì thế, không riêng DHC mà các doanh nghiệp đều tăng cường đẩy mạnh đầu tư vào ngành này. Chỉ tính riêng 3 dự án FDI của Nike Dragon, Lee&Man và Vina Kraft, năng lực sản xuất giấy công nghiệp kraft đã lên đến gần 1,2 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu của cả nước. Dự kiến năm 2016, khi cả 3 dự án này đi vào hoạt động, nguồn cung giấy công nghiệp sẽ tăng mạnh. Đó là chưa tính đến nguồn giấy nhập khẩu dự đoán tăng lên khi thuế nhập khấu giấy kraft trong khối ASEAN giảm từ 5% về 0% vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo tính toán của Rồng Việt, do nhu cầu giấy bao bì hiện vào khoảng 2,1 triệu tấn/năm và tăng trưởng trên 10% trong những năm sau, nên cơ hội trong ngành này trải đều cho cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước. Dựa trên các kế hoạch đầu tư tăng công suất sản xuất giấy công nghiệp, Rồng Việt dự đoán đến năm 2018, cầu vẫn vượt cung.
Xét riêng trường hợp DHC, do địa bàn kinh doanh chủ yếu là miền Tây Nam Bộ và có thị phần dẫn đầu tại khu vực này, nên DHC giảm được các áp lực cạnh tranh. Ngoài ra, giấy kraft của DHC đa dạng, thích hợp làm bao bì cho nhiều sản phẩm như thủy hải sản, dược phẩm, da giày, dệt may, thực phẩm... Ngoài ra, do có chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn 3-5% so với giấy của Vina Kraft hay Chánh Dương, nên giấy của DHC hiện được nhiều công ty lớn như Box Park Việt Nam, Nam An, Cát Phú, Vĩnh Xuân chọn sử dụng.
Kể từ khi DHC đầu tư nhà máy Giao Long 1 (năm 2011), Công ty duy trì được mức tăng trưởng doanh thu bình quân là 38% trong giai đoạn 2011-2013. Đáng chú ý, từ chỗ thua lỗ năm 2012, DHC đã bứt phá mạnh mẽ. Nửa đầu năm nay, DHC tiếp tục đạt kết quả khả quan khi hoàn thành 73% kế hoạch năm 2015.
Sự bứt phá của DHC có nguyên nhân từ việc cơ cấu lại sản phẩm. Nếu như trước đây, DHC giống như các doanh nghiệp nội địa khác chỉ tập trung vào phân khúc giấy medium là giấy công nghiệp truyền thống thì nay, Công ty đang chuyển dần tỉ trọng sang loại giấy testliner. Giấy này phải dùng nguyên liệu là các thùng carton cũ (OCC) nhập khẩu từ Singapore và Nhật. Bù lại, giấy testliner cho chất lượng cao, giá bán và biên lợi nhuận gộp cũng lần lượt cao hơn khoảng 9,6% và 17% so với giấy medium. DHC kỳ vọng cơ cấu doanh thu giữa giấy testliner và medium từ năm 2015 sẽ đảo chiều với tỉ trọng tương ứng là 6:4. Tính đến tháng 6.2015, tỉ lệ doanh thu từ testliner ở DHC đã chạm mốc 46%.
Ông Lê Bá Phương, DHC, cho biết Công ty sẽ đẩy mạnh bao bì carton. Đây là sản phẩm mang lại biên lợi nhuận khoảng 18%, cao nhất trong các sản phẩm của DHC. Sắp tới, sau khi đã thay đổi phương pháp từ đốt than sang đốt bằng trấu, cũng như đầu tư thêm máy in màu, 2 nhà máy sản xuất bao bì carton của DHC có thể tăng công suất từ mức 60% hiện tại lên 100% . Tuy nhiên, do chịu cạnh tranh khốc liệt từ hơn 200 công ty tham gia sản xuất bao bì carton, nên sản phẩm chủ lực của DHC đến nay vẫn là giấy công nghiệp và đang chiếm 68% doanh thu Công ty.
DHC còn tận dụng các cơ hội từ sụt giảm của giá OCC trong quý I vừa qua để dự trữ nguyên liệu. Lượng hàng này đủ phục vụ sản xuất cho đến tháng 10.2015. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, DHC đã bắt đầu tăng cường nhập giấy nguyên liệu từ thị trường Campuchia với mức giá cạnh tranh.
DHC cũng đang tìm cách giảm nợ, với lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ còn bằng 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, Công ty chỉ còn nợ ngắn hạn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, với 600 tỉ đồng rót vào nhà máy Giao Long 2, DHC chủ trương kêu gọi đầu tư và dùng vốn tự có. Công ty đã lên kế hoạch huy động tối thiểu 137 tỉ đồng thông qua phát hành 6 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Phần còn thiếu, DHC sẽ trích từ nguồn lợi nhuận năm 2015, 2016 và 2017.
Viết Nguyên