Dệt may Việt Nam tăng cường phát triển nguyên liệu trong nước
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 35-40% nhu cầu, còn các phụ kiện, nguyên liệu phụ trợ chỉ cung ứng được 5-10%, còn lại đều phải nhập khẩu.
Công ty May Nhà Bè ( NBC), một trong những công ty có năng lực sản xuất lớn nhất trong ngành dệt may của Việt Nam với doanh thu 3.000 tỷ đồng hàng năm nhưng có đến hơn 70% nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu đều nhập từ nước ngoài.
Ông Trần Kim Thành, Giám đốc bán hàng Công ty May Sài Gòn, đánh giá các nhà máy cung cấp sợi trong nước mới chỉ tập trung vào các loại sợi có giá trị gia tăng thấp. Còn với những mặt hàng xuất khẩu ra các thị trường EU và Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập khẩu sợi cao cấp. Đặc biệt ngành nhuộm vẫn còn rất hạn chế về công nghệ cũng như xử lý nước thải.
Vì vậy, nội địa hóa các nguồn nguyên liệu gần như là giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh sự tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành dệt may. Hiện nay, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đang tiến hành đẩy mạnh đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu bông vải, sản xuất xơ sợi từ cây keo, cây gai để phát triển công nghiệp phụ trợ sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho dệt may.
Điển hình nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, Hải Phòng, là liên doanh giữa Vinatex và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với công suất 175.000 tấn xơ sợi/năm đã giải quyết một phần nhu cầu nguyên liệu cho ngành dệt.
Cùng với đó, là phát triển vùng sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt để đạt mục tiêu diện tích cây bông vải đạt 30.000 ha năm 2015 và 76.000 ha vào năm 2020. Chương trình phát triển vải dệt thoi có được 1 tỷ mét năm 2015 vải phục vụ xuất khẩu đang được đẩy mạnh.
Ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp Hội dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để công nghiệp cung cấp nguyên liệu phát triển toàn diện việc đầu tư ngành nhuộm cũng rất cần thiết. Trong thời gian tới, Vinatex cần đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chuyên về ngành nhuộm để tập trung vào việc phát triển công nghệ và thuận lợi cho việc xử lý hệ thống chất thải.
Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2013 vào EU khoảng 2,38 tỷ USD, tăng 2,89% so với 2012.
Mặt khác, với lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU là 90% hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ hưởng mức thuế 0% (hiện nay dệt may đang phải chịu mức thuế bình quân là 11,7%) sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may phát triển mạnh hơn nữa.
Mà điều kiện cần và đủ cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may của Việt Nam là cần xây dựng các lộ trình đề tiến tới chủ động được nguồn nguyên liệu từ nội địa.
Nguồn Chinhphu.vn