Thứ Hai | 05/11/2012 20:04

Dệt may Việt hướng tới mục tiêu xuất khẩu thứ hai thế giới

Năm 2012 mục tiêu đặt ra sẽ đạt 17 tỷ USD, tăng từ 7,7-8% so với cùng kỳ năm 2011. Mục tiêu xuất khẩu năm 2013 đạt 20-21 tỷ USD.
Bên lề hội thảo ""Những thách thức đối với ngành công nghiệp dệt, hiện tại và tương lai" do Hiệp hội dệt may Việt Nam phối hợp với Liên đoàn các nhà sản xuất Sợi Dệt quốc tế (ITMF) tổ chức sáng 5/11 tại Hà Nội, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết một số nhận định về cơ hội và thách thức của ngành.

Theo ông Giang, với sự ổn định về mặt chính trị, các nhà đầu tư của thế giới, đặc biệt là Hiệp hội dệt sợi thế giới, đã chọn Việt Nam để có mối quan hệ hợp tác lâu dài ổn định. Điều này đã tạo ra cơ chế và hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp phát triển và đầu tư, đồng thời cũng là bước đột phá của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang kêu gọi các nhà sản xuất sợi dệt nhuộm thế giới, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược này và các sản phẩm cao cấp khác. Đây là cơ hội để tạo ra khả năng tác động đến tầm nhìn có tính chiến lược của từng doanh nghiệp và là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước học hỏi kinh nghiệm của thế giới và ngược lại.

Kết thúc 9 tháng, toàn ngành đã xuất khẩu được 12,6 tỷ USD và năm 2012 mục tiêu đặt ra sẽ đạt 17 tỷ USD, tăng từ 7,7-8% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, tăng trưởng hàng năm của ngành may trong nước sẽ có bước đột phá từ 2014, 2015 và giai đoạn 2025-2030. Trong năm 2013, toàn ngành đặt ra mục tiêu xuất khẩu từ 20-21 tỷ USD. Đến 2015, xuất khẩu dệt may có thể đạt 25 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên thứ 6 của Hiệp hội thời trang châu Á. Trong nhiệm vụ từ 2017-2020, dệt may Việt Nam sẽ phấn đấu đứng thứ hai, thứ ba trong số các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất trên toàn thế giới.

Ông Giang nhận định, để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam cần vượt qua 4 vấn đề cơ bản. Một là xác định mục tiêu chiến lược có tính lâu dài, cụ thể. Theo đó, ngành đã xác định mục tiêu là sợi-dệt-nhuộm và sản phẩm nối dài của may (những sản phẩm của may sẽ là những sản phẩm từ trung cấp cao cấp trở lên).

Vấn đề thứ hai, Quốc Hội, Chính phủ và các bộ ngành cần có một cơ chế ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ ba, cần tạo điều kiện môi trường đầu tư, xác định vùng lãnh thổ để quy hoạch đầu tư được ổn định và lâu dài. Về vấn đề này, tập đoàn đã làm việc với nhiều địa phương để quy hoạch các vùng trồng bông và cây nguyên liệu đồng thời xác định mục tiêu là đưa các doanh nghiệp vào vùng này, tạo ra một cơ chế ở địa phương đó, nhằm đầu tư ổn định.

Thứ tư, sản xuất phải gắn với vấn đề thiết kế (thiết kế về nhãn hiệu, thương hiệu), đưa sản phẩm và thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới. Mục tiêu đến 2020, ngành dệt may của chúng ta phải có từ 5-7% các thương hiệu lớn hội nhập với thị trường thế giới.

Nguồn Vietnamplus


Sự kiện