Ảnh: Quý Hòa
Dệt may vẫn chờ “doping” CPTPP
Tăng trưởng từ khối CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đã có đóng góp nhất định vào tổng kim ngạch gần 18 tỉ USD xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm nhưng chưa đủ để tạo ra những “cơ hội vàng”.
CPTPP, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1.1.2019, thực sự tạo hứng khởi cho các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, sự hứng khởi này không kéo dài quá 6 tháng đầu năm nay. Các nhà nhập khẩu đã liên tục dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang Bangladesh, Ấn Độ hoặc Myanmar. Họ muốn đảm bảo được doanh số bền vững khi lợi ích từ Việt Nam vẫn còn ở dạng tiềm năng. Vì vậy, tình trạng khan hiếm đơn hàng trong 6 tháng cuối năm đang lan rộng. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ông Trương Văn Cẩm, xác nhận, lượng đơn hàng của nhiều công ty chỉ bằng khoảng 70% cùng kỳ năm 2018.
Ông Cẩm nói “rất ngỡ ngàng” khi đơn hàng giảm nhiều ở cả các doanh nghiệp lớn. Phần lớn doanh nghiệp chỉ bảo đảm được lượng hàng cho sản xuất đến hết quý III. Trong khi đó, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10, cho biết, CPTPP có hiệu lực nhưng chưa mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. “Chúng tôi không có thêm lợi ích khi xuất khẩu vào CPTPP vì trước đó đã áp dụng những ưu đãi từ FTA Việt Nam - Nhật”, ông Việt giải thích.
Xuất khẩu hàng dệt may ngày một khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về giá và chi phí sản xuất ngày càng cao. Các nhà nhập khẩu thường so sánh giá sản phẩm dệt may của Việt Nam với các nước khác như Bangladesh hay Myanmar.
Nhật là thị trường lớn nhất trong CPTPP của dệt may Việt Nam. Nhưng theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Công ty May Việt Tiến, sức mua của thị trường này đang giảm xuống. Một CPTPP không có Mỹ, lợi ích kỳ vọng đã giảm đi nhiều. Trong hơn 5 tỉ USD xuất khẩu vào CPTPP trong 6 tháng đầu năm nay, Nhật chiếm phần lớn nhất, đạt 3,8 tỉ USD, kế đến là Canada đạt 666 triệu USD, Úc 222 triệu USD.
Trên thực tế, rủi ro chính của ngành dệt may bao gồm chi phí nhân công gia tăng và công đoạn nhuộm vẫn là “nút thắt cổ chai” của toàn ngành trong sản xuất hàng xuất khẩu. Ngoài ra, khâu dệt nhuộm ở Việt Nam vẫn còn yếu kém do các quan ngại về môi trường và yêu cầu vốn đầu tư lớn khiến doanh nghiệp khó được hưởng lợi hoàn toàn từ CPTPP với quy tắc xuất xứ từ sợi nghiêm ngặt.
May Sài Gòn 3 đã xúc tiến vào Úc và Canada ngay khi CPTPP còn trên bàn đàm phán. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị May Sài Gòn 3, nói chính điều này giúp Công ty có được doanh thu 1 tỉ USD từ thị trường CPTPP trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, những dòng sản phẩm đạt yêu cầu xuất xứ vào CPTPP của May Sài Gòn 3 chưa nhiều do phần lớn nguyên liệu được nhập khẩu từ các thị trường ngoài CPTPP, phần còn lại vẫn phải chịu mức thuế 17%.
Canada đang được định hình để trở thành thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam trong CPTPP với kim ngạch nhập khẩu khoảng 13,3 tỉ USD/năm và tốc độ tăng trưởng nhập khẩu được dự báo khoảng trên dưới 20% mỗi năm. Với CPTPP giảm mức thuế trung bình 17-18% về 0%, xuất khẩu dệt may Việt Nam có cơ hội vượt qua Bangladesh hay Campuchia và dần rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc, những nước ngoài CPTPP. Dù vậy, lợi ích sẽ không đến với doanh nghiệp dệt may Việt khi phát triển nguyên phụ liệu không theo kịp tốc độ phát triển của ngành may. Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khoảng 6,7 tỉ USD, chủ yếu từ các thị trường ngoài CPTPP.
Những cú hích cho ngành dệt may Việt Nam vào CPTPP có thể vẫn được tạo ra nếu doanh nghiệp tự vận động để có được nguồn cung nguyên liệu bền vững. Các chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam đang được hoàn thiện nhờ dòng vốn FDI chảy vào liên tục, tập trung vào sản xuất thượng nguồn (sợi và vải). Ngoài ra, các nhà doanh nghiệp may mặc chuyển hướng sang các phương thức sản xuất tiên tiến, như mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB) và sản xuất thiết kế gốc (ODM) giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Ông Việt cho biết May 10 đang ưu tiên sản xuất những dòng sản phẩm có nguồn nguyên phụ liệu trong nước để được ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, tăng cường chuỗi cung ứng trong nước từ sợi, dệt và vải. Công ty cũng hợp tác với các đầu tư, liên doanh cung cấp nguyên phụ liệu đáp ứng các yêu cầu của CPTPP.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, các doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu, doanh nghiệp sản xuất sợi, vải cần liên kết với các công ty may xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ của CPTPP hiện nay và EVFTA tới đây. Doanh nghiệp xuất khẩu, một mặt phải liên kết với các doanh nghiệp sợi, vải trong nước để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ, nhưng mặt khác, phải bàn thảo và thống nhất với các nhà nhập khẩu về nguồn nguyên phụ liệu trước khi họ đặt hàng. Còn ông Trương Văn Cẩm khuyến cáo các doanh nghiệp nên tận dụng “ngoại lệ” của 187 mặt hàng theo quy định của CPTPP để được công nhận về xuất xứ... Cơ hội đưa hàng dệt may vào CPTPP dù không lớn như kỳ vọng song vẫn tiềm năng nếu biết tận dụng.