Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý II/2022. Ảnh: TL.
Dệt may lấy lại đà tăng trưởng
Doanh nghiệp ổn định đơn hàng
Chia sẻ thông tin về tình hình dệt may thế giới, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công, cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tổng cầu của 2022 và 2023 sẽ tương đương với 2019. Sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là ngành đang phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng cao.
Trong lúc đó, tình hình dệt may trong nước cũng phải đối mặt với thách thức về chi phí logistics tăng, Chính phủ sẽ tăng lương tối thiểu cho người lao động từ tháng 7 năm nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần giữ chân và tìm lao động mới. Một khó khăn khác là khách hàng yêu cầu nhà máy xanh sạch ngày càng cao, trong khi giá bán không tăng tương ứng.
Theo ông Tùng, cơ hội cho dệt may Việt Nam nói chung là hiện Trung Quốc đang tập trung ưu tiên các sản phẩm cao cấp, nên các sản phẩm thấp hơn được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Sri Lanka bị vỡ nợ nên những đơn hàng sẽ được chuyển sang Việt Nam. Hiện các thị trường đã dần ổn định, Thành Công đã có đơn hàng đến hết quý III năm nay.
Doanh thu quý I/2022 đạt hơn 1.081 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế 69 tỉ đồng, tăng 17%. Công ty Thành Công đặt kế hoạch doanh thu năm nay đạt gần 4.200 tỉ đồng và 254 tỉ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 18% và 77% so với năm trước.
Trong hơn 2 năm vừa qua, nhất là giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp ngành dệt may luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: TL. |
Trước tình hình khó khăn của ngành, Tổng công ty May 10 đang từng bước tự chủ sản xuất và đây được xem là “chìa khóa” giúp phát triển bền vững, chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh sẽ còn kéo dài.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, chia sẻ: May 10 định hướng mở thêm 3 nhà máy, tuyển thêm từ 3.000-5.000 lao động cho dự án tại Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình.
Với kế hoạch này, May 10 sẽ không chỉ phục vụ cho những đơn hàng được phục hồi trong năm nay, mà đón đầu cả những đơn hàng mới; đồng thời giúp doanh nghiệp tự chủ hơn về nguồn hàng, sản xuất. Các đơn vị đang tích cực sản xuất nhằm sớm lấy lại mức tăng trưởng bị sụt giảm do dịch bệnh.
"Chúng tôi đã có đơn hàng đến hết quý III/2022, một số măt hàng như veston đã có đơn hàng đến hết quý III/2022. Trong khó khăn vừa qua, có thời điểm May 10 chỉ duy trì ở mức 30% lượng đơn hàng, nhưng đến nay gần như đã khôi phục hoàn toàn. Dự kiến, doanh thu năm 2022 cao hơn với thời điểm trước dịch hơn 10%," ông Thân Đức Việt chia sẻ.
Đi qua giai đoạn khó khăn
Trong hơn 2 năm vừa qua, nhất là giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp ngành dệt may luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị đứt gãy, thậm chí nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa.
Các doanh nghiệp phải đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguồn nhân công lao động, cộng thêm chi phí vận chuyển tăng cao... Nhưng đến thời điểm hiện tại đã dần ổn định.
Theo báo cáo thường niên của Dệt may TNG, Công ty doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 5.990 tỉ đồng, lãi sau thuế 279 tỉ đồng; lần lượt tăng 10% và 20,2% so với thực hiện 2021. Cổ tức tối thiểu đạt 16%. Riêng quý I, tổng doanh thu đạt 1.258 tỉ đồng, tăng 38% và thực hiện 21% kế hoạch năm.
Nhìn lại 2021, dệt may TNG ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động bất chấp diễn biến dịch bệnh phức tạp. Theo đó, lũy kế cả quý I/2022, tổng doanh thu của TNG đạt 1.258 tỉ đồng, tăng 38%. Trong vòng 5 năm tới, TNG kỳ vọng đạt mốc doanh thu khoảng 6.900 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 575 tỉ đồng.
Theo Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn với kim ngạch xuất khẩu năm qua ước đạt 39 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt 42,4-43 tỉ USD.