Nếu tình hình không có những biến động lớn thì ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD, tương đương với năm 2022. Ảnh: T.L

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 23/05/2024 17:22

Dệt may khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn nhiều nỗi lo

Nhu cầu nhập hàng mới và đơn hàng nhỏ từ các thị trường ngách gia tăng giúp ngành dệt may khởi sắc trong những tháng tới.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam, lượng hàng tồn kho ở các thị trường lớn, các hãng phân phối lớn, các tập đoàn, siêu thị đều đang giảm dần. Do đó, nhu cầu tái đặt hàng cho mùa tới đây của ngành dệt may đang ở mức kỳ vọng cao hơn.

Đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng cho biết, thị trường dệt may đang phục hồi và đơn hàng dần quay trở lại. Đến thời điểm hiện tại, Việt Thắng đã nhận được đơn hàng kéo dài đến hết tháng 9/2024. Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định, đơn hàng nhận được tăng hơn 30%, đảm bảo việc làm cho người lao động đến tháng 9-10/2024. Số liệu của Tổng công ty May 10 cho biết quý I/2024, May 10 có đơn hàng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Các đơn hàng quý II và nửa đầu quý III/2024 cũng có những tín hiệu tích cực hơn. Các thị trường lớn của công ty này như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, cùng các thị trường mới khai thác như Canada, ASEAN và Trung Quốc đều có lượng đặt hàng khá tốt.

Tháng 4/2024, xuất khẩu dệt may tăng 2,8%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng
Tháng 4/2024, xuất khẩu dệt may tăng 2,8%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng. Ảnh: T.L

Mặc dù tín hiệu thị trường trong quý III khá tốt, song các doanh nghiệp cho rằng ngành vẫn đối diện nhiều thách thức, trước mắt là việc giá đơn hàng không tăng trong khi chi phí nguyên phụ liệu và logistics vẫn cao do xung đột Biển Đỏ. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu kiểm soát càng lúc càng chặt chẽ chuỗi cung ứng từ nguồn lao động đến tác động môi trường, yêu cầu khắt khe về nguồn gốc nguyên phụ liệu và chứng chỉ xanh cho nhà máy và sản phẩm.

Một mong muốn rất lớn của người trong ngành dệt may Việt Nam là thu hút vốn FDI vào phát triển khâu thượng nguồn, hướng tới tự chủ nguyên phụ liệu cho sản xuất. Thời gian qua nhiều dự án FDI trong lĩnh vực nguyên phụ liệu có đầu tư sản xuất tại Việt Nam, tuy nhiên đầu ra của sản phẩm hoặc là dành cho nội bộ sản xuất hoặc dành cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Không nhiều nguyên phụ liệu được cung cấp cho doanh nghiệp dệt may trong nước.

Lâu nay, nguồn cung nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên hàng loạt các FTA mà Việt Nam ký kết gần đây đều đòi hỏi gắt gao về quy tắc xuất xứ. Cùng đó là những quy định chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu xanh thân thiện với môi trường từ các quốc gia nhập khẩu lớn hàng may mặc của Việt Nam đang dần đi vào thực thi.

Vì lẽ đó nhiều doanh nhân lo ngại rằng nếu không sớm giải quyết được vấn đề nguyên phụ liệu những lợi thế, ưu đãi từ các FTA lẽ ra các doanh nghiệp dệt may trong nước được hưởng sẽ dễ dàng rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm:

Nợ xấu liệu có phình to?