Nhiều doanh nghiệp ngành dệt đã nhanh chóng “thay đổi” để thích ứng với thị trường. Ảnh: vinatex
Dệt may đi qua một năm biến động như thế nào?
Thay đổi và thích ứng thị trường
Ngay khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nhiều doanh nghiệp ngành dệt đã nhanh chóng “thay đổi” để thích ứng với thị trường. Nhận thấy tình hình khầu trang thiếu trầm trọng, Tổng Công ty May Nhà Bè - Công ty Cổ phần cũng không thoát khỏi tình trạng khó khăn chung.
Do việc thông thương giữa các nước đang bị hạn chế tối đa, nên dự kiến, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất chỉ còn đủ cho doanh nghiệp làm tới hết tháng 4. Nếu như trước đây, người lao động được bố trí nghỉ 2 ngày chủ nhật/tháng, tháng 2, Công ty cho lao động nghỉ 8 ngày/tháng. Lãnh đạo doanh nghiệp và công đoàn đã chủ động tìm nguồn vải, tiến hành kháng khuẩn và bố trí thêm dây chuyền may khẩu trang đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, vừa có khẩu trang, trang bị cho toàn thể Công ty, vừa có thêm công việc và thu nhập cho người lao động của Công ty Nhà Bè.
Lãnh đạo doanh nghiệp Nhà Bè đã chủ động tìm nguồn vải, tiến hành kháng khuẩn và bố trí thêm dây chuyền may khẩu trang đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Ảnh: nhabe |
Còn về Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú lại ra mắt sản phẩm khăn bông hữu cơ Organic. Theo lãnh đạo công ty, khăn organic sản xuất từ nguồn nguyên liệu sợi bông được trồng bằng phương pháp hữu cơ, được kiểm soát nghiêm ngặt các khâu từ chọn đất, giống đến chăm sóc bằng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ và vi sinh, không sử dụng phân hóa học hay các hóa chất. Các khâu thu hoạch bông đến kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, may, đóng gói, lưu kho... đều được kiểm soát nghiêm ngặt với quy trình khép kín. Mỗi khăn bông đến tay người tiêu dùng được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt độ an toàn cao, tạo sự an tâm tuyệt đối cho khách hàng.
Giải pháp của Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú lại ra mắt sản phẩm khăn bông hữu cơ Organic. Ảnh: phongphu |
Ngay từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, trong năm 2019, Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 đã nhanh chân tìm đối tác, xuất khẩu khoảng hơn 1tỉ USD giá trị hàng hóa vào các thị trường trong khối là Australia, Canada và Nhật Bản. Một phần trong khối kim ngạch xuất khẩu này đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhờ nguồn nguyên liệu được chủ động từ trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, chia sẻ: May Sài Gòn 3 đang kết hợp với doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu trong nước để tạo ra nguồn nguyên phụ liệu phù hợp về xuất xứ, bảo đảm chất lượng, tiếp tục chinh phục các thị trường trong khối. Dù các thị trường này có quy mô không quá lớn, song việc chủ động nguyên liệu đã giúp doanh nghiệp đa dạng thị trường xuất khẩu, giảm bớt khó khăn.
May Sài Gòn 3 là một trong những doanh nghiệp vẫn giữ vững được kim ngạch xuất khẩu nhờ liên kết chuỗi trong sản xuất dệt may. Ảnh: saigon 3 |
May Sài Gòn 3 là một trong những doanh nghiệp vẫn giữ vững được kim ngạch xuất khẩu nhờ liên kết chuỗi trong sản xuất dệt may. Trước ảnh hưởng trầm trọng của dịch COVID-19 đến nền kinh tế toàn cầu, ngành dệt may cũng trải qua nhiều thách thức lớn.
Cụ thể, trong quý I/2020, ngành dệt may đối diện với nguồn cung bị gián đoạn do thiếu hụt ảnh hưởng đến sự ổn định của một doanh nghiệp và công ăn việc làm của người lao động. Bên cạnh đó, sức mua của người tiêu dùng thay đổi quá nhanh, hàng loạt các hệ thống bán lẻ, siêu thị và các của hàng trên toàn cầu bị đóng cửa, các nhãn hàng thanh toán chậm… đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình ổn định sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, chính những thách thức này đã giúp ngành dệt may đưa ra các giải pháp quyết liệt để vượt qua khó khăn. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp đã xây dựng được liên kết chuỗi về đơn hàng, bảo đảm nguồn cung thiếu hụt.
Bên cạnh đó, trong dịch COVID-19 chương trình phát triển xanh hóa của các doanh nghiệp đã được quan tâm đầy đủ hơn với xu hướng phát triển bền vững, từ việc đầu tư hạ tầng của các nhà máy với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn, quan tâm tới người lao động tốt hơn. Nhờ có sự bứt tốc, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm qua đạt kết quả ấn tượng, ở mức 35,27 tỉ USD.
Mục tiêu 38-39 tỉ USD
Năm 2021 và 2022 được nhận định vẫn còn khó khăn khi dịch COVID-19 trên toàn cầu chưa thể kiểm soát. Ngay trong trường hợp nếu quý I - II/2021 có vaccine và toàn cầu tiêm vaccine vào cả năm 2021 thì phải đến cuối năm 2023 thị trường dệt may mới có thể khôi phục như năm 2019.
Mục tiêu xuất khẩu dệt may năm 2021 là đạt 39 tỉ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỉ USD. Ảnh: Tainguyenmoitruong |
Trước những biến động đó, ông Vũ Đức Giang cho hay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra 5 giải pháp. Cụ thể, các doanh nghiệp phải thích ứng được với chuyển đổi nhanh khi mà biến cố thị trường sức mua toàn cầu giảm, nhiều mặt hàng truyền thống của Việt Nam không còn chuyên môn hóa, vestton, sơ mi nam, sơ mi nữ đã giảm xuống 70-80%. Đây là một thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam buộc các doanh nghiệp phải thích ứng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tìm hiểu tình hình thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế để tìm giải pháp phù hợp, chủ động ứng phó với tình hình mới trong năm 2021. “Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ, Bộ Công thương cần sớm ban hành chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2030-2040 để từ chiến lược này, chúng ta định hướng được các khu công nghiệp lớn kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt, từ đó tận dụng tốt lợi ích của các hiệp định thương mại mà Chính phủ chúng ta đã ký như CPTPP, EVFTA, RCEP”, ông Vũ Đức Giang cho hay.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, xác định rõ các thách thức của năm 2021, ngành Dệt may Việt Nam và Vinatex đặt kế hoạch cao là đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tương đương với năm 2019 nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm. Với mục tiêu cao cho năm 2021 là xuất khẩu đạt 39 tỉ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỉ USD.
►Tổng thu Ngân sách Nhà nước năm 2020 và dự kiến trong 3 năm tới