Thứ Năm | 09/08/2012 07:13

Dệt may đề nghị miễn thuế VAT 6 tháng

Ngành dệt may cũng đề nghị tăng tỷ lệ được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu từ 10% hiện tại lên 15%.
Theo Báo Đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu từ 2 con số đã giảm mạnh xuống còn 1 con số, đơn hàng xuất khẩu vẫn nhỏ giọt, …là những lý do khiến Ban chấp hành Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) quyết định hạ chỉ tiêu xuất khẩu dệt may, xơ sợi năm 2012 từ 19 tỷ USD xuống 17- 17,5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Thời, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, việc giảm chỉ tiêu xuất khẩu được quyết định trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế thế giới và xu hướng tiêu thụ hàng dệt may thế giới. Trong đó, việc Eurozone kéo dài chính sách thắt lựng buộc bụng đang tác động trực tiếp đến việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của dệt may.

Theo số liệu của Bộ Công thương, tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may đã giảm từ mức 14,7% của 4 tháng đầu năm xuống còn 7,7% khi hết tháng 5 và 8,8% hết tháng 7. Mức tăng trưởng này cũng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước là 19%.

Tính cộng gộp cả hàng dệt may, xơ sợi, thì kim ngạch xuất khẩu 7 tháng qua mới đạt 9,2 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so mức tăng 30% của 7 tháng năm 2011.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, có một thực tế là, đơn hàng phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp lớn, nhưng số lượng cũng hạn chế hơn năm 2011. Trong khi đó, giá xuất khẩu cũng giảm 5-10%, khiến các DN khó đạt được doanh thu cao như năm trước.

Trước thực trạng trên, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều cho rằng, điều mà họ cần nhất trong lúc này là được miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm, cả xuất khẩu, lẫn nội địa.

Tại Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012, doanh nghiệp dệt may thuộc đối tượng được gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế VAT của tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2012, nhưng ngành dệt may đề nghị được miễn giảm hẳn VAT trong vòng từ 3 - 6 tháng. Đồng thời, tăng tỷ lệ được hoàn thuế VAT đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu từ 10% hiện tại lên 15%.

Theo dự báo của Vitas, ít nhất trong 2-3 tháng tới, sản xuất và xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục gặp trở ngại, do khó tiếp cận vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao…và quan trọng là thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Đơn hàng nhỏ giọt, giá xuất khẩu các loại xơ, sợi, hàng dệt may trong 7 tháng cũng giảm 21,1% so với cùng kỳ 2011, càng là gánh nặng với các doanh nghiệp trong việc tăng doanh thu.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện