Thứ Hai | 04/06/2012 18:37

Dệt may, da giầy vẫn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng

Dù bước vào mùa cao điểm nhưng doanh nghiệp dệt may vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng. Tồn kho tăng khiến giá trị đơn hàng giảm.
Theo báo cáo của Bộ Công thương tại buổi họp báo chiều 4/6, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 6,8% so với tháng 5/2011. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Với ngành điện, sản lượng điện sản xuất tháng 5 ước đạt gần 10,19 tỷ kWh, tăng 8,9% so với tháng 4 và tăng 17,6% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng điện ước đạt 45,3 tỷ kWh, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 41,06 tỷ kWh, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó điện dùng cho công nghiệp và xây dựng tăng 11,6%, chiếm tỷ trọng 52,8%...

Ngành dầu khí, chỉ số sản xuất của ngành khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 4,2% so với tháng 4, tăng 6,7% so với cùng kỳ và tính chung 5 tháng đầu năm tăng 5,9%.

Trong tháng 5, nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để tổng kiểm tra, do đó tổng sản lượng xăng dầu tháng 5 ước đạt 309,9 nghìn tấn, giảm 44% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng xăng dầu ước đạt 2.485,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Việc Dung Quất tạm ngừng hoạt động không ảnh nhiều đến nguồn cung trong nước vì lượng hàng tồn kho xăng dầu tính đến ngày 24/5 còn tới gần 107 nghìn tấn.

Ngành than và khoáng sản, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp khai thác và thu gom than cứng tăng 2,3% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong tháng, tình hình tiêu thụ than đã tăng so với tháng trước, tuy nhiên 5 tháng đầu năm tiêu thụ than vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi diễn biến xấu của nền kinh tế trên thế giới nên việc xuất khẩu than gặp khó khăn.

Ngành cơ khí điện tử, trong tháng, ngành vẫn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không cao. Nhiều doanh nghiệp đang triển khai những hình thức khuyến mại lớn nhằm kích cầu tiêu dùng.

Với ngành dệt may, tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may giảm cả về lượng và trị giá, trong đó bông giảm 33,7% về giá trị, giảm 2,3% về lượng, vải các loại giảm 1,8% về giá trị so với cùng kỳ...

Dù bước vào mùa cao điểm trong năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp dệt may vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, các đơn hàng có xu hướng giảm giá khi các thị trường xuất khẩu chủ lực là EU và Mỹ vẫn tồn nhiều sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao...

Ngành da giầy, tháng 5, sản xuất tiếp tục gặp nhiều khó khăn do đơn hàng tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế tại các nước nhập khẩu chính. Tính chung 5 tháng, sản lượng  sản xuất sản phẩm giầy thể thao ước đạt 133,2 triệu đôi, giảm 2,8%; sản phẩm giầy dép, ủng giả da ước đạt 22,6 triệu đôi, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Nguồn DVT


Sự kiện