Ngành Dệt may đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa có lời giải. Ảnh: Đức Duy -Vietnamplus

 
Minh Anh Thứ Năm | 09/04/2020 14:00

Dệt may cắt giảm 70% đơn hàng nếu dịch bệnh kéo dài hết tháng 6

Những ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam sẽ bị cắt giảm đơn hàng và gặp khó khăn nếu dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn đến hết tháng 6.

Bộ Công Thương vừa cập nhật tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó ngành dệt may dự kiến số đơn hàng trong 2 tháng tới sẽ bị giảm khoảng 70%. 

Tính đến hiện tại, hầu hết tất cả các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đều đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Có khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3, dự kiến trong tháng 4 và tháng 5 là 80%. Con số này hoàn toàn đi ngược với năm 2019 - tăng trưởng tích cực với tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 39 tỉ USD, ngành dệt may vẫn thiếu lao động trầm trọng.

Nhìn tổng quan thị trường, các ngành dệt may, da giày là khối công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu kịch bản trên xảy ra thì có thể sẽ tác động đến hơn 3/4 số lao động trong hơn 3 triệu lao động trực tiếp.

Theo côngvăn mới nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ, dịch bệnh bùng nổ tại Mỹ và EU khiến nhu cầu nhập hàng từ 2 thị trường này sụt giảm đột ngột, đồng thời cắt đứt đầu ra của toàn ngành. Đa số các đối tác lớn đều cắt giảm hoặc ngừng tất cả đơn hàng tới hết tháng 4, thậm chí có đối tác ngừng nhận đơn hàng tới hết tháng 6.

Hiệp hội cũng đưa ra giả thiết nếu dịch kết thúc vào tháng 6 thì ngành dệt may sẽ thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng. Ở góc độ nhà quản lý, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam trong cuộc họp cuối tháng 3 dự báo, một số doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4, số lượng lao động mất việc ước tính từ 40-50% và lượng hàng tồn kho trong 2tháng 4 và 5 sẽ mất khoảng 50% giá trị.

Chưa có con số thống kê xuất khẩu của tháng 3, nhưng theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP.HCM, kết thúc tháng 2.2020, xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp TP.HCM chỉ đạt 773 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ.

Theo ông Hồng, dịch COVID-19 khiến nguồn cung nguyên liệu gián đoạn, nhiều doanh nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất và kịp giao hàng cho đối tác dẫn đến việc xuất khẩu sụt giảm mạnh. Nhiềudoanh nghiệp dự báo các tháng tới việc xuất khẩu có thể sẽ giảm nhiều hơn vì doanh nghiệp vẫn chưa thể tìm được nguồn cung nguyên liệu mới phù hợp, nếu có thì giá thành đội lên tới 15% so với hiện tại, và nhu cầu thị trường có thể sụt giảm do dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia.

Đơn cử, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc; Mỹ, EU và các đối tác nhập khẩu của các nước này đã giảm từ 30-50% lượng đơn hàng. Hiện thị trường EU đã thông báo ngưng nhập hàng trong 1 tháng, thị trường Mỹ ngưng nhập hàng trong 3 tuần. Việc đóng cửa tạm thời của 3 thị trường lớn nhất (chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may) sẽ khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: baodautu
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: baodautu

Giải bài toán đơn hàng?

Cuối tháng 3, các doanh nghiệp còn trông chờ vào thị trường Nhật vàASEAN. Nhưng các thị trường này chiếm tỉ trọng không lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may. Hơn nữa, dịch bệnh cũng đang bắt đầu bùng phát trở lại tại Nhật và lan rộng ở các nướcASEAN.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp của ngành dệt may đã chuyển hướng vềthị trường nội địa, song cũng gặp nhiều vướng mắc vì đa số doanh nghiệp Việt Nam gia công xuất khẩu cho các thương hiệu nước ngoài. Các mẫu mã, nguyên liệu sử dụng trước đây chủ yếu đáp ứng thị hiếu của nước ngoài, không phù hợp vớithị trường trong nước. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang giảm sút do dịch bệnh. 

Trong khi đó, dù thị trường Trung Quốc đã hoạt động trở lại song do nhu cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu, dự kiến trên 20%. Điều này càng tạo áp lực cả về tài chính và lao động đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Theo giả thiết của ngành dệt may, nếu khách hàng hủy 20% đơn hàng thì 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng, trở thành hàng tồn kho khó luân chuyển và tiếp tục gây tổn thất cho toàn ngành.

Bộ Công Thương kiến nghị, với ngành dệt may, da giày, cho phép gia hạn nộp Thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, 2020; hoãn nộp Thuế VAT đến hết quý IV/2020; Gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải trong thời gian nhà máy dừng hoạt động do dịch bệnh; Cho phép miễn nộp phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động, áp dụng chung cho cả ngành dệt may và da – giày. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỉ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu để doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất; hỗ trợ kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng trả chậm, giãn tiến độ giao hàng.

Nhằm cân đối nguồn thu ngân sách bảo đảm thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước để tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm:

Nhà nhập khẩu Mỹ trì hoãn mua hàng dệt may Việt