Thứ Hai | 20/04/2015 05:40

Đến thời M&A của ngành năng lượng ?

Các doanh nghiệp dầu khí Nga đang tranh thủ tận dụng cơ hội M&A tại Việt Nam.

Tiền thưởng trong những ngày lễ tết của các công ty dầu khí Việt Nam năm nay giảm nhiều so với năm ngoái, nhưng Trần Đình Long, một công nhân dầu khí ở Vũng Tàu cảm thấy may mắn vì anh vẫn nằm trong số những nhân viên được gia hạn hợp đồng. Thực tế, ngành dầu khí Việt Nam vài năm trở lại đây đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cắt giảm nhân sự.

NĂNG LƯỢNG ÐANG GẶP KHÓ

Tình trạng công nhân trong ngành dầu khí bị cắt hợp đồng và cho thôi việc từ sau Tết ngày càng tăng cao. Lý do là tình trạng giá xăng dầu giảm từ năm ngoái đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Trong khi đó, các mỏ dầu càng khó khai thác, giá xăng giảm suốt năm qua, chưa kể nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt.

Gặp khó khăn, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi, đang đứng trước nguy cơ không bán được hàng và phải đóng cửa trong thời gian tới và nguyên nhân chính là do thuế nhập khẩu xăng dầu. Thông tin này được Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), hiện quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, gửi đơn trình bày tới cơ quan chức năng vào giữa tháng 4 vừa qua.

Theo thông tin được đưa ra, mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu khác có mức thấp hơn khá nhiều so với các mức thuế suất trong Biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu. Vì thế, theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với những khó khăn kể trên, các khoản nộp ngân sách của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng sẽ giảm đáng kể, khoảng 14.305 tỉ đồng ngay trong năm 2015. Và từ năm 2016-2018, mỗi năm sẽ giảm khoảng 16.251 tỉ đồng.

Vô hình trung, với tình hình mới, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam sẽ phải cấp bù cho BSR theo mức 2% với dầu diesel, 5% với LPG và 3% với hạt nhựa PP theo các quy định và hướng dẫn đang áp dụng cho công ty này khi thực hiện cơ chế thu điều tiết. Như vậy, với giá dầu tăng cao ở mức 60 USD/thùng, chỉ riêng năm 2015, PVN sẽ phải bù lỗ 1.065,7 tỉ đồng. Giai đoạn 2016-2018, mỗi năm PVN phải chi 3.011 tỉ đồng để bù lỗ cho BSR. “Việc này diễn ra trong thời điểm giá dầu giảm sâu so với trước đây nên sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn của PVN trong 3 năm tới”, ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc PVN, từng nhận định.

Trước những khó khăn trên, ngày 6.4 vừa qua, hãng Gazprom Neft (thuộc Tập đoàn Gazprom của Nga) cho biết đã có kế hoạch mua 49% cổ phần của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cơ sở chế biến dầu duy nhất tại Việt Nam.

Gazprom Neft là một trong những hãng dầu khí lớn của Nga. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2013 của Công ty đã tăng 22%, vượt quá 56 tỉ USD. Gazprom Neft còn vượt trước cả các đối thủ cạnh tranh chính như PetroChina của Trung Quốc hay ExxonMobil của Mỹ. Rõ ràng, trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm, các doanh nghiệp dầu khí của Nga đang tranh thủ tận dụng cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.

THẾ TRẬN MỚI CỦA NGÀNH

Ảnh hưởng của giá dầu thế giới đang tạo ra một thế trận mới trên thị trường xăng dầu thế giới. Các thương vụ M&A đang bắt đầu có dấu hiệu bùng nổ. Ví dụ, Công ty Royal Dutch Shell (Hà Lan) và BG Group (Anh) sẽ thực hiện thương vụ M&A trị giá gần 70 tỉ USD trong thời gian tới bằng hình thức tiền mặt và cổ phiếu. Đây được cho là thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành năng lượng thế giới trong vòng một thập niên vừa qua. Shell dự kiến sẽ bán bớt những bộ phận không quan trọng trong công ty sau khi sáp nhập, với số tiền thu về có thể lên tới 30 tỉ USD từ 2016-2018.

BG Group là tập đoàn sản xuất khí đốt lớn thứ 3 ở Anh, có thế mạnh về thăm dò, hóa lỏng, tiếp thị và vận chuyển khí đốt hóa lỏng. BG Group gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, đặc biệt là khi giá dầu giảm sâu. Theo thông tin từ CNN, BG Group sở hữu nhiều giếng dầu tại bờ biển Brazil và lượng khí đốt dồi dào tại Úc. Nếu hoàn tất thương vụ này, dự trữ dầu mỏ, khí đốt của hãng Shell sẽ tăng 25% và sản xuất sẽ tăng 20% so với năm 2014. Mục tiêu khi mua lại BG Group mà Shell nhắm tới chính là đuổi kịp tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ là Chevron.

Ngay khi thông tin Shell mua lại BG Group được công bố, hãng dịch vụ dầu mỏ Halliburton (Mỹ) cũng đưa ra mức giá 34,6 tỉ USD đề nghị mua lại Công ty Baker Hughes (Mỹ). Theo hãng tin Bloomberg, các công ty dầu khí của Mỹ đang cắt giảm số giàn khoan hoạt động với tốc độ kỷ lục và sa thải hàng ngàn công nhân.

Trong lúc đó, Công ty Repsol (Tây Ban Nha) cũng chấp nhận bỏ ra 8 tỉ USD mua lại một công ty Canada vào năm ngoái. Ngoài ra, rất nhiều thương vụ khác cũng đã âm thầm diễn ra.

Có thể nói, cuộc chiến trong ngành năng lượng giữa một số nước lớn đang ảnh hưởng đến nhiều nước khác và làm thay đổi thế trận ngành. Cho đến thời điểm Shell mua lại BG Group, tổng số tiền dành cho các thương vụ M&A trong ngành năng lượng đạt 112 tỉ USD. Con số này gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo, làn sóng M&A sẽ vẫn còn tiếp tục và đây chính là thời điểm tốt để các công ty trong lĩnh vực năng lượng thâu tóm đối thủ.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư