Sơn Phạm
Đèn lồng Việt giành lại thị trường
Chiếc đèn lồng từ xa xưa đã gắn liền với văn hóa Việt Nam, với từng vùng miền. Thú chơi lồng đèn không chỉ làm đậm thêm bản sắc mà còn mở ra thị trường cho doanh nghiệp.
Đèn tre, đèn KIBU lấy lại thị trường
Những tưởng chiếc đèn lồng khung tre đã mai một và dần thoái lui trước sự lấn át của những chiếc đèn lồng điện tử bằng nhựa. Tuy nhiên, năm nay sự nhộn nhịp của lồng đèn khung tre đã quay trở lại, một phần nhờ nhu cầu trang trí đèn gia tăng từ một số doanh nghiệp. Trong khi đèn nhỏ được người lớn mua cho trẻ em chơi cũng có giá 50.000-100.000 đồng/cái, thì những chiếc đèn khung tre lớn được doanh nghiệp mua treo trang trí cũng có giá từ 500.000-800.000 đồng/cái, thậm chí một số đèn được đặt theo thiết kế riêng có giá từ 2-3 triệu đồng/cái.
Thăm làng lồng đèn nổi tiếng tại Phú Bình (quận 11, TP.HCM), NCĐT ghi nhận không khí sung túc và sôi nổi của làng nghề giữa lòng thành phố khi ngày tết Trung Thu đang đến. “Trước đây có nhiều hộ làm, nhưng lúc đèn Trung Quốc vào nhiều, đèn giấy bị mất giá, nhiều gia đình bỏ. Hai năm nay đèn giấy có giá hơn nên nhiều hộ đã làm lại”, anh Nguyễn Phương Bình, một nghệ nhân của làng Phú Bình, cho biết.
Trung bình với mỗi chiếc đèn hình bướm, có viền bông cao khoảng 50cm, anh Bình làm được 20 chiếc mỗi ngày với giá bán 120.000 đồng/chiếc. Gần đó là gia đình của cô Minh Xuân, cũng làm đèn lồng và bán sỉ cho các mối hàng, vừa bán lẻ tại gia. Hầu hết làng nghề đã rôm rả “vào vụ” từ tháng 3 cho việc mua tre, chẻ tre, vót, lên sườn để sẵn. “Các cửa hàng không đặt mua một lượt vài chục, vài trăm chiếc, mà lấy mỗi loại 4-5 cái, giá bán sỉ từ 15.000-250.000 đồng/chiếc để bán cầm chừng và bán theo kiểu cuốn chiếu, mỗi mùa trung bình bán được 500-700 thậm chí 1.000 chiếc, hầu hết giá bán giữa các cơ sở không chênh lệch nhiều”, cô Xuân cho biết.
Ra mắt thị trường gần đây là loại lồng đèn cải tiến “Made in Vietnam” KIBU. Đây là lồng đèn vừa góp phần “đẩy lùi” hàng Trung Quốc và cũng là sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với lồng đèn khung tre. Trong khi một số bộ phận cha mẹ lo ngại việc chơi nến nguy hiểm cho con trẻ, lựa chọn này được ưu ái hơn, trong khi sản phẩm lại linh hoạt về kiểu dáng và mẫu mã vì được thiết kế theo hình mẫu của các nhân vật hoạt hình gần gũi với trẻ em hiện nay thay vì các hình ảnh, họa tiết và kiểu dáng như đèn truyền thống bằng khung tre của thế hệ trước.
“Đến thời điểm hiện nay, Công ty đã có 1.500 điểm bán trên toàn quốc, dự kiến đến năm 2020 đạt 3.000 điểm bán các sản phẩm KIBU”, bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, CEO kiêm Giám đốc Sáng tạo Công ty Cổ phần Mỹ Thuật Gia Long, cho biết.
Theo bà Hồng, những sản phẩm này đều đã được đăng ký bản quyền, tức đảm bảo những sản phẩm đều do Công ty tự nghiên cứu, thiết kế và sản xuất. Với dòng sản phẩm cao cấp, được thiết kế công phu từ nguyên vật liệu đắt tiền có giá 190.000 đồng/chiếc, sản phẩm đèn thông thường bằng giấy lắp ráp có giá 28.000 đồng/chiếc. Những sản phẩm này được sử dụng nhiều trong các chương trình tặng quà Trung Thu của các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể nên nhận được đơn hàng khá lớn và đây là một trong những phân khúc chính để thương hiệu này hướng đến.
Đèn lồng xuất ngoại
Không “sống theo mùa” như những chiếc đèn Trung Thu, những chiếc đèn lồng tô điểm cho khu phố cổ, hiện nay các chiếc đèn lồng đặc trưng nét Huế hay đèn lồng Hội An đã có mặt tại một số nước trên thế giới.
Đi lên từ một trong những cơ sở sản xuất truyền thống của gia đình, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Nguyễn Lan Vy về nước cùng người anh vực dậy cơ sở của gia đình và mở rộng sang thị trường nước ngoài. “Suốt thời gian sống tại nước ngoài, tôi đã quan sát thị hiếu của du khách, đồng thời thấy được lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng trưởng là cơ hội để phát triển”, chị Nguyễn Lan Vy, Giám đốc Công ty Đèn lồng Cố Đô, cho biết.
Theo chị, đèn lồng Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nước ngoài, còn thị trường trong nước khá nhỏ, chủ yếu tại một số tỉnh thành lớn có nhu cầu trang trí nhiều như Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng. Cách đây 3 năm, thị trường xuất khẩu của Công ty Cố Đô chủ yếu là Singapore, Thái Lan, Mỹ, Thụy Sĩ với đơn hàng mỗi tháng khoảng 500 chiếc. Hiện nay, Công ty đã mở rộng thêm được một số thị trường khác như Malaysia, Indonesia, Đức và Anh.
Trung bình mỗi tháng Công ty Cố Đô xuất xưởng hơn 1.000 chiếc với khoảng hơn 40 mẫu mang phong cách truyền thống Huế gồm đèn cung đình, đèn kéo quân, đèn ú, đèn sen, đèn tỏi... được chạm khắc hoa văn rồng, phụng; mai, lan, cúc, trúc và in trên vải là hình rồng, kiến trúc cung đình Huế, các lăng tẩm, chùa chiền... Trung bình giá vào từ 100.000 đồng đến 9 triệu đồng/chiếc. “Năm nay, chúng tôi ưu tiên thiết kế thêm nhiều lồng đèn kích cỡ nhỏ hơn, tinh tế hơn để du khách tiện mua sắm, vận chuyển”, chị Vy cho biết.
Không có sự bề thế như Cố Đô, Công ty Hà Linh sản xuất đèn lồng Hội An phục vụ du lịch và xuất khẩu. Trung bình mỗi năm Công ty Hà Linh sản xuất được từ 5.000-10.000 chiếc đèn tùy theo đơn hàng, đỉnh điểm lên đến 20.000 chiếc với nhiều kích cỡ và kiểu dáng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Linh là Ý, Đức, Pháp, Mỹ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc... trong đó thị trường châu Âu chiếm thị phần lớn nhất với hơn 70%.
Đức Tài