Đến cuối tháng 11/2014, nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 168 nghìn tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 11/2014, nợ xấu theo báo cáo của các TCTD là 167.861 tỷ đồng tương đương khoảng hơn 3,8%; tỷ lệ nợ xấu theo kết quả phân loại dựa trên thông tin tín dụng của CIC là 5,3%.
NHNN dự kiến, cuối tháng 1/2015 sẽ chính thức có số liệu cuối cùng về tỷ lệ nợ xấu của năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 12/2014 sẽ giảm bởi vì tháng 12/2014 các TCTD bán nợ xấu rất mạnh cho VAMC và thực hiện xử lý dự phòng rủi ro theo quy định.
Cũng theo NHNN, từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2014, VAMC đã duyệt mua khoảng 98 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó tháng 12/2014 là khoảng 36 nghìn tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi, tại sao số liệu nợ xấu theo kết quả thanh tra, giám sát của NHNN thường cao hơn số liệu nợ xấu của các TCTD? Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết:
Thứ nhất, NHNN thực hiện chuyển nhóm nợ theo đúng quy định hiện hành về phân loại nợ: (i) Toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một TCTD phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ; (ii) Toàn bộ dư nợ của một khách hàng vay nhiều TCTD khác nhau phải được phân loại vào cùng nhóm nợ có rủi ro cao hơn; (iii) Phân loại nợ tương ứng với mức độ rủi ro dựa trên các bằng chứng, thông tin về khách hàng vay.
Thứ hai, các tiêu chí phân loại nợ theo quy định hiện hành bao gồm tiêu chí định lượng (chẳng hạn thời gian quá hạn, số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ,…) và tiêu chí định tính (ví dụ, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng). Việc phân loại bao gồm các tiêu chí định tính và định lượng trong phân loại nợ là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, việc sử dụng các tiêu chí định tính trong phân loại nợ dễ dẫn đến sự khác nhau giữa các TCTD trong xác định và ghi nhận nợ xấu.
Ví dụ, khoản nợ của khách hàng được TCTD này xếp vào nợ xấu nhưng lại không được TCTD khác xếp vào nợ xấu.
Theo quy định, tất cả các khoản vay khác của cùng khách hàng đó tại tất cả các TCTD khác phải được xếp vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn. Các TCTD có thể thiếu thông tin tín dụng về khách hàng hoặc có chủ ý không chuyển các khoản nợ đủ tiêu chuẩn “nợ xấu” sang nợ xấu dẫn đến các khoản nợ của khách hàng không được phân loại hợp lý và nợ xấu được ghi nhận dưới mức thực tế.
Thứ ba, một số TCTD cố ý không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
Cũng theo bà Hồng, số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của NHNN đáng tin cậy hơn và được NHNN sử dụng trong công tác quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng.
NHNN xác định, năm 2015 là năm bản lề của việc thực hiện Đề án xử lý nợ xấu và năm về đích của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Vì vậy, ngành Ngân hàng sẽ quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành, tái cơ cấu và xr lý nợ xấu theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra.
Trong đó, quyết tâm đưa nợ xấu về mức dưới 3% và kiên quyết xử lý các TCTD yếu kém, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, lành mạnh hóa tài chính, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và đổi mới hệ thống quản trị, điều hành.
Do đó NHNN dự kiến đến 2015 số lượng các TCTD yếu kém giảm, chất lượng hoạt động được cải thiện, hệ thống ngân hàng trở lên an toàn, lành mạnh hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, hiệu quả đến năm 2020 như đã đề ra trong Đề án cơ cấu lại các TCTD.
Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ