Thứ Bảy | 04/08/2012 10:41

Đến 2020 xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đạt khởi điểm mức đầu tư

Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia.
Nội dung của đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia chủ yếu làm rõ phương pháp đánh giá xếp hạng tín nhiệm cũng như hướng tiếp cận của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong quá trình thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho quốc gia.

Đề án cũng làm rõ những yếu tố cản trở trong việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia theo quan điểm của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm cũng như các yêu cầu về việc cung cấp thông tin, số liệu kinh tế, xã hội, tài chính của quốc gia để từng bước ổn định và nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện giảm dần chi phí huy động trên thị trường vốn quốc tế.

Đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm đến năm 2020 xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đạt khởi điểm mức đầu tư. Cụ thể là đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch), tương đương một số nước trong khu vực hoặc các nền kinh tế mới nổi.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đề án đưa ra một số các nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội nhằm giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng giữa các đối tượng, vùng, miền và khu vực địa lý.

Thứ hai, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các đề án về tái cơ cấu kinh tế, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng, tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các định chế tài chính, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Thứ ba, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước về mức bằng khoảng 4,5% GDP vào năm 2015 và xuống khoảng dưới 4% GDP vào năm 2020.

Thứ tư, điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; giảm dần mức độ đô la hoá, vàng hoá nền kinh tế và sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong cán cân thanh toán quốc tế; thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt và chủ động theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu và bảo đảm an toàn cán cân thanh toán quốc tế;

Thứ năm, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia theo hướng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và công cụ quản lý nợ.

Ngoài các nhóm giải pháp trên, đề án cũng yêu cầu tăng cường mức độ công khai và minh bạch thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc cung cấp, trao đổi thông tin và tổ chức làm việc với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm.

Nguồn Khampha/Bộ Tài chính


Sự kiện