Đến 2020, người Việt ra đường không cần mang giấy tờ tùy thân
Chính thức từ tháng 6/2013, việc cấp mã số đinh danh cá nhân sẽ được triển khai thực hiện và đến năm 2020 toàn bộ công dân mang quốc tịch Việt Nam sẽ được định danh bằng một mã số gồm 12 chữ số trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông tin trên đươc ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) đưa ra tại hội thảo “Dự thảo đề án tổng thế đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy từ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư”, do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội chiều 26/3.
Việc cấp mã số định danh cá nhân đã được đặt ra từ tháng 8/2010 tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Bộ Công an là đơn vị được giao xây dựng. Sau đó, Bộ Công an đã tổ chức thí điểm cấp chứng minh nhân dân theo công nghệ mới gồm 12 số và có vai trò là số định danh cá dân.
Khi tiến hành xây dựng đề án “Tổng thế đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy từ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư”, Bộ Tư pháp cho rằng kho số định danh cá nhân (số chứng minh nhân dân 12 số) mà hiện nay Bộ Công an đang quản lý đã thể hiện được một số điểm ưu việt như: mỗi công dân chỉ có một số duy nhất; kho số có khả năng cấp cho công dân mà không trùng lặp, ổn định lâu dài. Vì vậy, dự thảo đề án đã xác định số định danh cá nhân cấp cho công dân chính là số chứng minh nhân dân mới mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Sơn nói, dự thảo đề án được thiết kế theo hướng tập trung ưu tiên cho việc "số hóa", "điện tử hóa" các thông tin của công dân để phục vụ quản lý dân cư, làm nền tảng cho việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.
Theo ông Sơn, đến năm 2020, toàn bộ công dân Việt Nam sẽ đều có số định danh cá nhân gồm 12 số, và khi đi làm các thủ tục hành chính liên quan chỉ cần đọc số định danh cá nhân, mà không phải đem theo giấy tờ nào khác. Đây còn là cơ sở để thống nhất việc quản lý dân cư.
Ông Sơn tin tưởng, sẽ không còn cảnh người dân phải chạy đi phô tô, công chứng giấy tờ liên quan đến cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính Nhà nước… Người dân không phải loay hoay chứng minh “tôi là ai” khi làm thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước, mà chỉ cần đọc mã số định danh cán bộ cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tìm hiểu về công dân đó trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo rà soát sơ bộ của Bộ Tư pháp, hiện có khoảng gần 1.300 thủ tục hành chính trong mẫu đơn tờ khai yêu cầu khai thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực một/một số giấy tờ sau: giấy khai sinh/chứng sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử. Trong đó có 1.045 mẫu đơn, tờ khai có yêu cầu cung cấp thông tin về công dân.
Ông Ngô Hải Phan đưa ra tính toán sơ bộ, việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm khoảng 198 tỷ đồng/năm chi phí điền thông tin trong mẫu đơn, tờ khai cho công dân.
Trong gần 1.300 thủ tục hành chính, có 724 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực một/một số giấy tờ sau: giấy khai sinh/chứng sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử. Cũng theo ông Ngô Hải Phan, việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí cho việc xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực các giấy tờ ước tính khoảng 1.445 tỷ đồng/năm.
Như vậy, tổng chi phí tiết kiệm được cho công dân là khoảng 1.643 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây có thể là con số còn khiêm tốn, vì hiện nay có rất nhiều thủ tục hành chính Bộ Tư pháp chưa có số lượng đối tượng tuân thủ.
(Theo VnEconomy)