Thứ Ba | 12/11/2013 14:00

Đến 2015, SCIC chỉ giữ vốn tại 100 doanh nghiệp

SCIC phải đánh giá lại vốn Nhà nước khi SCIC nhận bàn giao theo nguyên tắc gắn với thị trường, có tính đến yếu tố rủi ro.

Tính đến nay, Tổng công ty đã thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại hơn 950 doanh nghiệp. Đã thực hiện tái cơ cấu lại các doanh nghiệp đã tiếp nhận, thực hiện thoái vốn (đã bán vốn Nhà nước tại khoảng 600 doanh nghiệp với giá trị thu hồi đạt tỷ lệ trung bình gấp 2 lần so với giá trị sổ sách), bàn giao lại cho các bộ, địa phương và hiện đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại trên 350 doanh nghiệp cổ phần. Theo lộ trình đến năm 2015 dự kiến SCIC chỉ nắm giữ vốn tại khoảng 100 doanh nghiệp.

Để tiếp tục củng cố phát huy vai trò của SCIC trong quá trình đổi mới, tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC với những nội dung cơ bản như sau:

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng công ty, Nghị định quy định rõ các nhiệm vụ mang tính đặc thù mà SCIC phải thực hiện như: tiếp nhận và thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định hiện hành; đầu tư vốn vào các Tập đoàn, Tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước nắm giữ quyền chi phối; đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Về đối tượng tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước: Đối tượng tiếp nhận theo hướng loại trừ các doanh nghiệp chủ yếu làm nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, phục vụ an ninh quốc phòng; bổ sung việc tiếp nhận vốn Nhà nước tại các công ty liên doanh có vốn góp Nhà nước do các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Nghị định quy định thực hiện đánh giá lại vốn Nhà nước khi SCIC nhận bàn giao theo nguyên tắc gắn với thị trường, có tính đến yếu tố rủi ro.

Việc thực hiện quản lý vốn Nhà nước sẽ thông qua hệ thống Người đại diện, trong đó quy định quyền của Tổng công ty trong việc lựa chọn hình thức cử, ủy quyền người đại diện.

Để tránh thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước, Nghị định cũng quy định rõ về cơ chế bán vốn mang tính đặc thù như Tổng công ty được thực hiện đấu giá bán cả lô cổ phần sau khi Hội đồng thành viên phê duyệt để đảm bảo thành công khi cần bán hết vốn tại doanh nghiệp và Tổng công ty được áp dụng chính sách khuyến khích đối với các công ty tư vấn, môi giới, chứng khoán gắn với thành tích, hiệu quả trong việc bán vốn của Tổng công ty.

SCIC phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của các cấp theo pháp luật về đầu tư.

Doanh thu và chi phí hoạt động của SCIC được xác định theo quy định về cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên.

Nguồn CafeF


Sự kiện