Thứ Năm | 27/09/2012 07:45

Đến 2014 mới có thể sửa Luật Đầu tư

Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 108 về hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.
Ngày 26/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức thảo luận về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết có hai luồng quan điểm được thể hiện trong quá trình tập hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về Luật Đầu tư: Bỏ luôn Luật Đầu tư vì không cần thiết, mâu thuẫn với nhiều luật khác, hoặc vẫn giữ nhưng phải sửa đổi. VCCI theo luồng quan điểm thứ hai.

Nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ thủ tục thẩm tra đầu tư vì phức tạp và không cần thiết; làm rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, tỉ lệ vốn nước ngoài bao nhiêu thì xem là nhà đầu tư nước ngoài; không nên phân biệt đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp vì mỗi địa phương đang hiểu một cách khác nhau về hai loại đầu tư này, có trường hợp mua 95% cổ phần của doanh nghiệp, tức gần như mua cả DN mà vẫn xem là đầu tư gián tiếp…

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết Bộ đã rà soát và tổng hợp các vướng mắc của luật trên. Có hai vướng mắc lớn nhất cần sửa đổi.

Một là sửa thủ tục đầu tư theo hướng đồng bộ, minh bạch, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài nhưng tách rời thủ tục trong nước và nước ngoài, đồng thời tách phần đăng ký kinh doanh ra khỏi giấy chứng nhận đầu tư.

Hai là phần quản lý đầu tư được bổ sung, tăng cường về giám sát, theo dõi dự án đầu tư.

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp có rất nhiều phản ánh vướng mắc và kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006 hướng dẫn Luật Đầu tư. Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết để giải quyết các vướng mắc thậm chí cần có một luật để sửa tám luật khác nhau mới giải quyết rốt ráo được. Muốn sửa luật thì phải đưa vào chương trình của Quốc hội và có thể đến năm 2014 mới sửa được.

Đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết vừa trình Chính phủ nghị định sửa đổi Nghị định 108.

Cũng theo đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hầu hết các góp ý của doanh nghiệp đều nằm trong nội dung rà soát mà Bộ tổng hợp. Tuy nhiên, “không phải kiến nghị nào cũng đúng”, vị đại diện này nhấn mạnh. Có ý kiến cho rằng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nên có một cổng thông tin tiếp nhận góp ý của cộng đồng và phản hồi ý kiến nào được tiếp thu, ý kiến nào không thể tiếp thu để cộng đồng có cơ hội phản biện lại.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện