Quy trình sản xuất lụa. Ảnh: TTXVN

 
Cẩm Tú Thứ Sáu | 18/03/2022 07:30

Đem công nghệ vào lụa cổ truyền

Ngành lụa Việt Nam đang theo xu hướng tăng hàm lượng công nghệ để chinh phục những thị trường thời trang cao cấp hơn.

Trong năm qua, Công ty Lụa Hà Bảo (Lâm Đồng) chi hàng triệu USD để mua 16 máy dệt Jacquard nhằm sản xuất loại vải phổ biến trên thế giới nhưng với lụa Việt còn rất hiếm: lụa Jacquard - loại vải dệt được hoa văn trực tiếp trên chất liệu vải mà không cần sử dụng công nghệ in ấn.

Sau nhiều năm chỉ xuất tơ sống, lụa mộc và gia công sản phẩm với giá trị thấp hơn nhiều so với một sản phẩm lụa thời trang hoàn chỉnh, năm qua Hà Bảo cũng tiếp nhận 1 dự án nhà máy may 200 công nhân, sử dụng chính tơ lụa địa phương để tạo ra một sản phẩm thời trang hoàn chỉnh. Theo chia sẻ của giám đốc doanh nghiệp này, một sản phẩm thời trang thì thu nhập cho người sản xuất vải là thấp nhất, cao nhất chính là khâu thiết kế và hoàn thiện sản phẩm.

 

Lâu nay, lụa tơ tằm Lâm Đồng vẫn chịu đánh giá thấp bởi mẫu mã đơn giản, chưa phong phú. Máy dệt Jacquard giúp lụa thành phẩm có màu sắc đa dạng, hoa văn tùy chọn. Các mẫu hoa văn sẽ do nhà thiết kế tạo ra, sau đó qua các thẻ đục lỗ để máy dệt ra những tấm vải có màu sắc theo đúng ý người thiết kế. Lụa này dày dặn, thích hợp để may áo, váy, đặc biệt là áo dài truyền thống của phụ nữ Việt nên đang được thị trường nội địa đón nhận tích cực.

Nếu Hà Bảo là một thương hiệu lâu năm đang từng bước đưa công nghệ mới vào lụa truyền thống, thì Công ty Lụa DeSilk (Hà Nội), một thương hiệu còn khá mới trên thị trường, đã chọn thế mạnh cho mình là đầu tư vào công nghệ ngay từ đầu. Với tham vọng chinh phục các thị trường danh tiếng như Thụy Sĩ, Pháp, Nhật, Ý, Anh..., chủ doanh nghiệp này đã “chơi lớn” khi xây dựng đội ngũ của DeSilk với sự có mặt của một số nhà thiết kế đến từ Thụy Sĩ. Những nhà thiết kế này mang lại cho DeSilk sự nghiêm ngặt, kỷ luật và độ chính xác mà một thương hiệu cao cấp quốc tế cần phải có.

lụa
Công nghệ đã giúp cải thiện quy trình sản xuất tơ tằm tại Việt Nam, từ tốc độ, năng suất cho đến chất lượng.

Bà Văn Thị Hằng, người sáng lập DeSilk, chia sẻ: “Thiết kế sáng tạo kết hợp với kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật số đã tạo ra sản phẩm tơ lụa độc đáo, không chỉ thể hiện tay nghề của người thợ dệt Việt Nam, mà còn sẽ là yếu tố tạo nên diện mạo mới cho những thương hiệu cao cấp của người Việt. Cách làm của DeSilk là không chỉ ứng dụng công nghệ, mà còn liên tục tìm kiếm cách sử dụng, làm mới các kỹ thuật và kỹ năng của người thợ, hướng đến quảng bá kỹ nghệ thủ công Việt Nam”.

Tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nơi có làng lụa Mã Châu nổi tiếng từ 400 năm trước, nghề lụa cũng đang dần hồi sinh. Bên cạnh nỗ lực xây dựng thương hiệu, sáng tạo mẫu mã mới, xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc, gần đây lụa Mã Châu cũng tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc. Máy nhuộm lụa từ nguyên liệu tự nhiên do Hàn Quốc hỗ trợ đã góp phần tạo ra những thước lụa đẹp màu tự nhiên, giá trị cao, giảm thiểu nhiều công đoạn so với cách làm thủ công. Bình quân các năm qua, Công ty Dệt lụa Mã Châu sản xuất được khoảng 200.000 mét lụa các loại. Trong năm 2022, Công ty dự kiến sẽ sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 1 triệu mét vải lụa tơ tằm.

Thời gian qua, công nghệ đã giúp cải thiện quy trình sản xuất tơ tằm tại Việt Nam, từ tốc độ, năng suất cho đến chất lượng. Chẳng hạn, kén bình thường kéo được sợi tơ khoảng 400 m, nhưng kén lai có thể sản xuất 1.000 m và năng suất cao nhất đạt tới 1.800 m. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu năm nay đưa giá trị xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm, ngành sản xuất dâu tằm tơ phải ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhiều hơn.

Lấy ví dụ, lụa Thái Lan với 2 thương hiệu Spun Silk World và Jim Thompson đã nổi tiếng thế giới với chất lượng cao bao hàm các yếu tố mẫu mã, công nghệ sạch với môi trường, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và sử dụng người địa phương trong sản xuất.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 6 nước sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới, đứng thứ 3 châu Á và thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu tơ lụa. Mặc dù được đánh giá là nguồn sản xuất tơ lụa thượng hạng hàng đầu thế giới, nhưng lụa tơ tằm Việt Nam hiện chưa phải là thương hiệu mạnh trên toàn cầu. Theo chia sẻ của một số người trong ngành, sở dĩ ngành tơ lụa Việt Nam còn yếu về thương hiệu là do thực trạng nhỏ lẻ, co cụm trong từng đơn vị, sự thiếu vắng một hiệp hội mạnh có khả năng kết nối mạnh mẽ với các viện nghiên cứu và với thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Vietsilk Textile (Bảo Lộc), từng cho biết mỗi năm Công ty của ông cho ra thị trường 60 tấn lụa mộc, chủ yếu xuất sang Nhật, nhưng chất lượng tơ vẫn chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế do nuôi giống tằm thương phẩm đã thoái hóa. Sự lúng túng của tơ tằm Bảo Lộc nằm ở khâu kết nối với những viện nghiên cứu nông nghiệp còn yếu, do đó chưa đặt hàng được các giống tằm chất lượng cao.