Đề xuất xây mới đường sắt cao tốc Bắc - Nam
“Trong 5 nội dung đề nghị điều chỉnh Chiến lược Phát triển đường sắt được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 12/2013 tại Tờ trình số 13669/TTr-BGTVT, việc xây mới tuyến đường sắt Bắc - Nam là vấn đề còn tồn tại”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR cho biết.
Theo lãnh đạo VNR, đối với đường sắt Bắc – Nam, nên nghiên cứu xây mới một tuyến đường sắt cao tốc (đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa với tốc độ thiết kế 350 km/giờ và chỉ chạy tàu khách), với phân kỳ đầu tư hợp lý, phù hợp với nguồn lực của Việt Nam trong giai đoạn 5 - 10 năm tới và xa hơn.
Tính toán của VNR cho thấy, chi phí đầu tư cho tuyến đường sắt này vào khoảng 55,9 tỷ USD, gồm 44,34 tỷ USD chi phí xây dựng và 11,546 tỷ USD đầu tư phương tiện.
VNR cũng cho rằng, cần nâng cấp tuyến đường sắt khổ 1.000 mm hiện có nhằm khai thác tối đa năng lực của tuyến đường đơn, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách ở cự ly trung bình tại các đô thị lớn và gom khách cho đường sắt cao tốc.
Quan điểm về phân kỳ đầu tư được VNR khẳng định là thống nhất với đề xuất của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) được đề cập tại báo cáo về Dự án Đường sắt cao tốc gửi đến các cơ quan của Việt Nam vào giữa năm ngoái, theo đó, đưa vào khai thác 2 đoạn tuyến đầu tiên là TP.HCM - Nha Trang, Hà Nội - Vinh lần lượt vào năm 2013 và 2036.
Trước đó, tại tờ trình điều chỉnh chiến lược đường sắt, Bộ GTVT đã lựa chọn kịch bản phát triển tuyến đường sắt Bắc - Nam theo một lộ trình được đánh giá là “thận trọng” hơn.
Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Bộ GTVT kiến nghị chỉ tập trung nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, với tốc độ chạy tàu bình quân 80 -90 km/giờ. Trong giai đoạn 2020 - 2030, sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước xây dựng một tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam, với tốc độ khai thác từ 160 km đến dưới 200 km/giờ. Việc chạy chung tàu khách và tàu hàng chỉ được chuẩn bị các điều kiện cần để triển khai trước một số đoạn từ năm 2020.
Việc hoàn thành tuyến đường sắt Bắc - Nam và nghiên cứu nâng cấp tốc độ thiết kế để đáp ứng nhu cầu khai thác (khoảng 350 km/giờ) sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2050. Khi đó, tuyến đường sắt cũ sẽ chuyển sang vận tải hàng hóa là chủ yếu.
Phải nhắc lại rằng, vào tháng 6/2013, khi Thường trực Chính phủ bàn về Dự thảo về chiến lược đường sắt và xem xét báo cáo nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc của JICA, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT “thẩm tra, đánh giá đầy đủ” báo cáo của phía tư vấn Nhật Bản cũng như phải cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng khi điều chỉnh chiến lược đường sắt.
Theo VNR, kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức… cho thấy, việc phát triển đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Đường sắt quốc gia luôn có hai hệ thống: đường sắt truyền thống chạy chung tàu khách - tàu hàng và hệ thống đường sắt cao tốc chỉ vận tải hành khách”, lãnh đạo VNR phân tích.
Nguồn Báo Đầu Tư