Đề xuất ưu đãi hơn cho nông nghiệp, nông thôn
Ông Thi cho biết thêm: Các chính sách này cũng nhằm giúp người nông dân giảm chi phí đầu vào cho sản xuất sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Với điều kiện nước ta hiện nay, việc tăng cầu sản phẩm cho ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm sẽ có tác động tích cực đối với toàn bộ nền kinh tế.
Hơn nữa, hầu hết các nước có ngành sản xuất nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines... đều có chính sách ưu đãi thuế đối với sản xuất nông nghiệp.
* Đó là những ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Còn hộ nông dân, hộ chăn nuôi sẽ được hưởng lợi gì?
- Theo Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành, chỉ thức ăn tự nhiên được làm từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến tự sản xuất, đánh bắt bán ra ở khâu nhập khẩu mới không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Còn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, phân bón chịu thuế suất 5%.
Cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào của máy móc, thiết bị, điện, nước... sử dụng cho sản xuất hàng hóa chịu thuế.
Tuy nhiên, qua tham khảo kinh nghiệm của hơn 78 nước và vùng lãnh thổ, nhất là các nước có ngành sản xuất sản phẩm nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc..., các sản phẩm đầu vào chủ yếu cho ngành sản xuất nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Để khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội chấp thuận mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi công nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thay vì mức 5% như hiện nay.
Đồng thời, hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào.
* Ước tính ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ người nông dân, hộ chăn nuôi hằng năm là bao nhiêu tiền?
- Nếu Quốc hội chấp thuận đề xuất này, Bộ Tài chính ước tính mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ hoàn thuế GTGT khoảng 300 tỉ đồng do bổ sung thức ăn chăn nuôi vào diện không chịu thuế GTGT. Đồng thời, ngân sách cũng giảm thu khoảng 1.000 tỉ đồng do không thực hiện thu thuế GTGT đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và phân bón.
Như thế, theo lý thuyết, khi không thu thuế GTGT thì giá phân bón, thức ăn chăn nuôi sẽ giảm tương ứng với số thuế không phải nộp.
Ngoài ra, để đảm bảo ổn định đời sống người nông dân và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ cũng trình Quốc hội cho phép sửa đổi bổ sung quy định của Luật thuế tài nguyên.
Theo đề xuất, không thu thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
Để tăng cường liên kết doanh nghiệp và nông dân, theo ông Phạm Đình Thi, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.Cụ thể: đối với hoạt động nghiên cứu phát triển giống, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được hưởng thuế suất 20% trong năm 2014 và 2015.Từ năm 2016, thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp này được giảm xuống còn 17%.Theo Bộ Tài chính, trong năm 2008-2013 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do nhiều nguyên nhân khách quan như thị trường tiêu thụ khó khăn, tồn kho hàng hóa tăng cao, lãi suất vay ngân hàng lên tới trên 20%/năm...Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc chậm nộp tiền thuế. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013.Ước tính số tiền phạt chậm nộp được xóa nợ khoảng 4.800 tỉ đồng. Để được hưởng chính sách ưu đãi này, doanh nghiệp phải nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2014. |
Nguồn Tuổi trẻ