Đề xuất thí điểm thành lập Ủy ban đấu giá quốc gia về thuốc
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, giá thuốc đã bị đẩy cao so với mức niêm yết trung bình từ 10-20%.
Liệt kê một loạt các nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết: Giá thuốc khi tới tay bệnh nhân đã phải qua nhiều khâu trung gian; công ty dược bắt tay với thầy thuốc để kê đơn biệt dược hưởng chênh lệch; kết quả đấu thầu tại cơ sở khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết bên ngoài... đã tạo nên thực trạng trên.
Về việc giá thuốc sau khi đấu thầu lại cao hơn với giá niêm yết đã kê khai trước đó, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân xuất phát từ những quy định bất hợp lý trong thông tư, quy định đấu thầu giá thuốc. Quy định chỉ chia nhóm thuốc theo công dụng chứ không chia theo xuất xứ.
Tự chỉ ra một bất cập lớn của ngành, người đứng đầu ngành Y tế cả nước cho rằng, quy định cho các đơn vị khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế quản lý giá thuốc là không hợp lý vì như vậy chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi” vì Bộ vừa sản xuất, vừa kê thuốc, vừa quản lý giá thuốc. Bộ trưởng thẳng thắn: Không nên để tình trạng này tiếp tục diễn ra. Bộ Y tế chỉ nên quản lý về chuyên môn, đảm bảo đủ thuốc đến tay người bệnh.
Để giải quyết căn cơ thực trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư chia các nhóm thuốc thành xuất xứ khác nhau trên cơ sở kỹ thuật; đồng thời quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá trước đó kê khai để quản lý.
Bộ Y tế cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ủy ban đấu giá quốc gia về thuốc với sự tham gia của liên ngành: Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Y tế để đảm bảo cân đối, xem xét và đưa ra giá thấp nhất.
Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành quy định quy chế kê đơn thuốc, hạn chế dùng biệt dược để thống nhất áp dụng trên cả nước. Tuy nhiên, các giải pháp dù khá mạnh dạn nhưng chưa tạo đột phá vì vẫn chưa minh bạch được mọi khâu. Luật Dược đang xây dựng hướng tới quy định thuốc là mặt hàng thiết yếu (cũng như xăng dầu) cần phải có bộ chuyên ngành quản lý giá (Bộ Tài chính) đảm nhiệm, Bộ trưởng kết thúc vấn đề.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu xung quanh tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định việc tăng giá sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho những người nghèo, người tham gia Bảo hiểm Y tế, trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, đối với cơ sở khám chữa bệnh, sau nhiều cuộc giao ban, các giám đốc bệnh viện đều khẳng định: Nếu không thay đổi giá dịch vụ, bệnh viện công không tồn tại được.
Nguồn Vietnam+