Đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN
Theo báo cáo, CIEM đề xuất thành lập Cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước thuộc Chính phủ để thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với các công ty TNHH một thành viên và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Cơ quan này thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước không phải là cơ quan hành chính nhà nước và không thực hiện chức năng quản lý nhà nước như các cơ quan hành chính nhà nước khác (bộ ngành, UBND cấp tỉnh).
Cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước thuộc Chính phủ được tổ chức dưới hình thức Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN để bảo đảm thẩm quyền quản lý, giám sát toàn diện và hiệu quả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên nhiều địa bàn cũng như trong phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Ủy ban gồm Chủ tịch do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng kiêm nhiệm; Phó Chủ tịch Uỷ ban làm việc chuyên trách có chức danh tương đương Bộ trưởng và một số thành viên chuyên trách và một số thành viên kiêm nhiệm (lãnh đạo đại diện cho các Bộ, ngành có liên quan đến chức năng chủ yếu của chủ sở hữu nhà nước như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, chuyên ngành,…).
Uỷ ban có bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ làm việc chuyên trách thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; thực hiện nhiệm vụ trên một số lĩnh vực sau: Đầu tư theo nhóm ngành, lĩnh vực; Chiến lược - kế hoạch phát triển; Cán bộ, lao động và tiền lương; Tái cấu trúc; Tài chính - Kế toán; Thanh tra; Tin học - Thống kê; Đào tạo; Pháp chế…. để quản lý toàn diện những nội dung liên quan đến hoạt động của DNNN.
Đồng thời, thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá hoạt động DNNN để thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Uỷ ban trong việc đánh giá hoạt động của các DNNN và các chức danh do Uỷ ban bổ nhiệm, ký hợp đồng trước khi Uỷ ban quyết định tiền lương, tiền thưởng, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm. Hội đồng Tư vấn bao gồm các chuyên gia tư vấn độc lập, nhà khoa học am hiểu sâu, rộng về các lĩnh vực hoạt động của DNNN.
Theo CIEM, mô hình này sẽ tạo tiền đề quan trọng đảm bảo cho sự thống nhất phương thức quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, khắc phục được tình trạng phân tán vừa chồng chéo, lấn sân và buông lỏng, bỏ trống trong thực hiện chức năng quản lý chủ sở hữu;
Đồng thời, bảo đảm cho DNNN quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, quản lý doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN; dễ dàng xác định và xử lý trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp, của cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, việc hình thành thêm một tổ chức mới và có thể tăng thêm biên chế của khu vực các cơ quan nhà nước; có thể có sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ do yêu cầu đối với người làm trong tổ chức chủ sở hữu là phải có năng lực, trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt; và có thể gặp phải sự phản đối, cản trở của một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước và một số cán bộ nhà nước do bị mất quyền, giảm lợi.
Nguồn Khampha/CIEM