Thứ Sáu | 26/10/2012 16:52

Đề xuất ngân hàng lấy vốn điều lệ để xử lý nợ xấu

Theo nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội, cần lập ủy ban quốc gia xử lý nợ xấu, đồng thời buộc ngân hàng lấy vốn của mình để xử lý nợ xấu.
Đề xuất thành lập ủy ban quốc gia xử lý nợ xấu

Trong Báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013” trình trước Quốc hội, Chính phủ đã đề ra một loạt giải pháp, trong đó có việc nghiên cứu thành lập công ty xử lý nợ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu đang là điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay. Do đó, giải quyết nợ xấu là nhiệm vụ phải được ưu tiên tập trung trí tuệ và nguồn lực để thực hiện.

Tuy nhiên, điều cần thiết nhất trước khi xử lý nợ xấu, theo các chuyên gia kinh tế, là phải xác định chính xác tỷ lệ nợ xấu hiện nay và đâu là những lĩnh vực có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất.

“Khi con số nợ xấu chưa thống nhất được là bao nhiêu, thì chưa thể lên được phương án xử lý. Tôi cho rằng, để giảm nợ xấu, quyết tâm phải rất lớn. Yếu kém lớn nhất hiện nay trong xử lý nợ xấu là ở khâu tổ chức thực hiện, do bị chi phối bởi quá nhiều nhóm lợi ích”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận định.

Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có 3 nhóm nợ xấu đáng lo nhất hiện nay, đó là: bất động sản, công ty sân sau và các dự án xây dựng cơ bản của nhà nước. Do vậy, việc xử lý nợ xấu phải tiến hành ở ba lĩnh vực này.

Cụ thể, với bất động sản, phải tiếp tục kéo giá xuống để giải phóng hàng tồn. Với cho vay sân sau, các ngân hàng phải có trách nhiệm bóc tách từng khoản vay, để dịch chuyển các khoản vay về đúng chỗ. Với các dự án xây dựng cơ bản của Nhà nước đang dang dở, Nhà nước buộc phải thanh toán và cấp vốn cho các dự án trọng điểm…

Về phương án xử lý nợ xấu, nhiều ý kiến cho rằng, không nên thành lập công ty xử lý nợ xấu trực thuộc NHNN, mà nên thành lập một ủy ban xử lý nợ xấu, với nhiều thành phần khác nhau.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, để tránh lợi ích nhóm trong giải quyết nợ xấu, cần thành lập một ủy ban xử lý nợ xấu đủ mạnh.

“Ủy ban này không nên chỉ có sự tham gia của NHNN và các bộ, ngành khác, mà phải có các chuyên gia tư vấn độc lập. Phải có cơ chế làm việc độc lập để đảm bảo ủy ban này xử lý nợ xấu được khách quan”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần phải hình thành một ủy ban xử lý nợ xấu, trong đó có sự tham gia của NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công an. Bên cạnh đó, vì một phần tiền xử lý nợ xấu là tiền của nhân dân, nên trong ủy ban này phải có Ban Kiểm soát, với thành viên là Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Trong khi đó, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nên thành lập ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu. Ủy ban này sẽ đảm nhận luôn việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu.
3 bước để giải quyết nợ xấu

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, việc xử lý nợ xấu của ủy ban quốc gia xử lý nợ xấu có thể tiến hành theo một số bước.

Bước đầu tiên, thành lập công ty mua bán nợ xấu.

Bước thứ hai, đo lường chính xác nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng, đặc biệt là nợ chéo giữa các ngân hàng với nhau, nợ xấu của các công ty sân sau.

Bước thứ ba, thẩm định lại tài sản thế chấp xem có đảm bảo để xử lý nợ xấu hay không. Khi thẩm định xong sẽ tiến hành đấu giá tài sản. Nếu thanh khoản thị trường quá yếu, tài sản không ai mua, thì công ty mua bán nợ sẽ ứng tiền mua các khoản nợ này để tách nợ xấu sang một bên. Bước cuối cùng là xác định thiệt hại, lấy nguồn để bù đắp thiệt hại.

“Nguồn bù đắp thiệt hại đầu tiên phải là quỹ dự phòng rủi ro của các ngân hàng. Thứ hai là từ các chủ thể liên quan, tức người vay tiền. Thứ ba là chính các ngân hàng phải tự lấy vốn điều lệ của mình để bù đắp nợ xấu, nếu nguồn trích lập dự phòng không đủ. Qua đó, cũng phải làm rõ ngân hàng nào đứt vốn, không còn đủ vốn điều lệ để đưa luôn vào diện mua bán, sáp nhập hoặc quốc hữu hóa”, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Chia sẻ ý kiến này, ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, sau khi xác định rõ số liệu nợ xấu, đề nghị các ngân hàng thương mại phải lập quỹ trích lập dự phòng rủi ro theo tiêu chuẩn, ngân hàng nào giấu nợ phải bị xử lý nghiêm.

“Các ngân hàng phải giảm lương, giảm thưởng, giảm lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Không có chuyện nợ xấu đầm đìa, mà ngân hàng liên tục báo lãi”, ông Lịch nói.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện