Đề xuất nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, tăng lương 15%
Dành nhiều thời gian để nói về vấn đề thu chi ngân sách trong thời gian qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu ra thực tế, việc ngân sách eo hẹp đang khiến rất nhiều công trình xây dựng "không đủ vốn để làm."
"Hiện nếu thu 100 đồng thì chỉ dành cho đầu tư được khoảng 19 đồng, trong khi các năm trước đó mức chi thường là 30-40 đồng," người phát ngôn của Chính phủ đưa ra ví dụ.
Một khó khăn khác được Bộ trưởng Vũ Đức Đam đưa ra là việc phải giữ mức đầu tư của Nhà nước vào rất nhiều công trình theo hình thức đầu tư công-tư (PPP).
Đây là thực tế được Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu nhiều ví dụ khi cho rằng, hiện Chính phủ rất muốn kêu gọi đầu tư tư nhân để giảm áp lực ngân sách nhưng thực tế lại nảy sinh nhiều vấn đề khó.
"Chúng ta muốn nhà đầu tư tư nhân vào làm đường nhưng mức phí thu sẽ phải cao để họ hoàn vốn thì mới làm. Thế nhưng phí cao thì người dân và các công ty vận tải có chịu được không," người phát ngôn của Chính phủ nói.
Đưa ra trường hợp khác, Bộ trưởng nói về việc xã hội hoá trong giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề này theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam thì "cùng lắm chỉ làm đươc ở hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh với các trường dân lập."
"Ở các tỉnh thì người dân làm sao đủ tiền để trả cho trường tư," Bộ trưởng thẳng thắn.
Bởi vậy, Bộ trưởng một lần nữa khẳng định: "Muốn phát triển thì chúng ta vẫn phải giữ đầu tư Nhà nước."
Đưa ra một vài con số dự tính, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhận định với kế hoạch tăng trưởng khoảng 5,6%-5,8% trong năm sau thì mức đầu tư cho xây dựng sẽ phải tối thiểu khoảng 255.000 tỷ đồng. Điều này buộc cơ quan quản lý phải tăng mức bội chi để dành số tiền lớn hơn cho đầu tư.
Những số liệu được Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu ra nhận được khá nhiều thắc mắc của báo chí. Trong đó câu hỏi lớn được nhiều người đặt ra là tăng bội chi ngân sách thì áp lực nợ công liệu có thể bị tăng cao trong điều kiện ngân sách vẫn gặp khó khăn.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định mức bội chi trên đã tham mưu ý kiến của các cơ quan, chuyên gia và đã tính đủ mức trần nợ công.
Lương tăng ở mức 15%
Sức ép từ ngân sách Nhà nước đang rất lớn cũng là một trong những nguyên nhân Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhắc tới khi nói về phương án tăng lương cho người lao động vào năm 2014.
Theo Bộ trưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước đó đã trình cơ quan quản lý đề án tăng lương cho người lao động ở doanh nghiệp với mức tăng từ 21-36%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, với mức tăng trưởng kinh tế từ 5-6% trong năm tới cộng với một vài dự báo kinh tế khác như lạm phát thì mức tăng lương cho người lao động có thể sẽ dao động ở ngưỡng 14-15%.
Giải thích thêm cho những con số này, Bộ trưởng cho rằng mức lương cho người lao động ở các doanh nghiệp nếu tăng cao quá thì sẽ rất khó để cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Không những thế, lý do lớn khác cũng được Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận "nếu tăng cao quá thì ngân sách không có."
Bởi vậy, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, đây là việc đã được các bộ, ngành tính toán và đang làm thủ tục để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Nguồn Vietnam+