Thứ Sáu | 22/03/2013 17:41

Đề xuất giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm trong quý III

Doanh nghiệp cũng đề xuất điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ theo ngành hàng thay cho việc phân theo quy mô.
Sáng nay (22/3), UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số hiệp hội và doanh nghiệp đều nhất trí cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay là tiếp cận vốn, chi phí sản xuất cao.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, doanh nghiệp hiện nay bị vướng trong quy định tài sản đảm bảo nên khó tiếp cận vốn vay. Ngân hàng khi cho vay luôn đòi tài sản đảm bảo, trong khi với các doanh nghiệp "đã gọi là vừa và nhỏ" thì tài sản đảm bảo là vấn đền lớn, vị này nói.

Bên cạnh đó, lãi suất cao cũng khiến doanh nghiệp tiếp cận vốn khó. Theo ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam hiện không cạnh tranh được là do lãi suất cao hơn so với các nước khác. "Doanh nghiệp Trung Quốc hiện chỉ vay với lãi suất 4,7%/năm, sau đó mang hàng hóa sang Việt Nam bán", vị này dẫn chứng.

Ông Lý đề xuất, cần hạ ngay lãi suất cho vay xuống dưới 10% trong quý III/2013, chứ không chỉ dừng lại ở các gói ưu đãi 12%/năm hay 11%/năm như ngân hàng đang làm hiện nay.

Cũng là chủ một doanh nghiệp xuất khẩu, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Hapro phản ánh, năm 2012, giá xăng tăng hơn 10% dẫn tới chi phí vận chuyển của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn các doanh nghiệp cùng khu vực 20%, giá điện tăng cũng làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Việc giữ ổn định tỷ giá như hiện nay cũng khiến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu yếu đi.

Do vậy, vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trong năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đóng góp thêm ý kiến để giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp, ông Đỗ Quang Hiển cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh. Đồng tình với ông Hiển, nhưng ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận xét Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ chọn đúng đối tượng để hỗ trợ.

Theo ông Vương, trong Nghị quyết 02 của Chính phủ, đối tượng được miễn giảm thuế thu nhập là doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dưới 200 lao động, doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng hoặc doanh nghiệp sử dụng trên 300 lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp sản xuất xi măng có dưới 200 lao động nhưng doanh thu không thể thấp hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, những doanh nghiệp như Canon, Samsung vốn lớn, nhưng họ kinh doanh lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử nên lại được Chính phủ hỗ trợ miễn, giảm thuế doanh nghiệp.

Như vậy, những doanh nghiệp khó khăn thì lại không được hỗ trợ, trong khi doanh nghiệp lớn thì lại được hưởng ưu đãi, ông Vương phát biểu. Vị này kiến nghị Chính phủ nên tháo gỡ khó khăn theo ngành hàng.

Ngoài ra, ông Vương cho rằng, Chính phủ và thành phố cần thanh toán nhanh những khoản nợ đọng với doanh nghiệp. Theo ông, Chính phủ và thành phố đang nợ của doanh nghiệp khoảng 92.000 tỷ đồng. Nợ xấu của doanh nghiệp với ngân hàng có rất nhiều con số thống kê, nhưng nợ xấu của doanh nghiệp với nhau hoặc nợ xấu của chính quyền với doanh nghiệp thì không ai thống kê được, con số 92.000 tỷ đồng chỉ mang tính tương đối.

Trước các đề xuất của hiệp hội và doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho hay, việc điều chỉnh lãi suất hiện này phải căn cứ theo lạm phát và điều kiện của ngân hàng.

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Chi phí đầu vào của ngân hàng là lãi suất huy động, trong khi đầu ra là lãi suất cho vay, do vậy ngân hàng cần phải cân đối giữa lãi suất huy động và cho vay, bà Sương nói.

Với đề xuất điều chỉnh tỷ giá, theo bà Sương, việc này cần phải căn cứ vào cân đối xuất và nhập khẩu, cán cân thu chi của đất nước. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để chọn được mức tỷ giá hài hòa, bà Sương nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng khẳng định, hiện chưa nhận được phản ánh nào của doanh nghiệp cho biết đủ điều kiện vay vốn nhưng không được ngân hàng cho vay. Bà cũng kêu gọi các doanh nghiệp báo cáo việc khó vay vốn dù đã đầy đủ thủ tục lên Ngân hàng Nhà nước để có hướng xử lý.

Ngoài các đề xuất về tiếp cận vốn, tại hội nghị, các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng kiến nghị UBND thành phố tháo gỡ khó khăn liên quan đến tiền thuê đất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gắn kết chuỗi sản xuất và phân phối...

Ông Đỗ Quang Hiển dẫn ý kiến của nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, lãnh đạo thành phố ít nhất 3 tháng/lần nên có các buổi đối thoại với doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể phản ánh kịp thời những khó khăn để được tháo gỡ.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

Ông ví nền kinh tế là cơ thể, doanh nghiệp là tế bào, vốn là máu. Nếu thiếu máu thì cơ thể ốm yếu. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay chính là cơ chế chính sách khiến khó tiếp cận vốn, như việc phải yêu cầu tài sản đảm bảo với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, cũng phải rất lưu ý về lãi suất.

Đối với thị trường bất động sản, ông Thảo thông tin, hiện Hà Nội tồn kho khoảng 5.800 căn hộ, hơn 3.800 biệt thự và nhà liên kế, nhà ở xã hội còn 330 căn... Thời gian tới, thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ như chia nhỏ căn hộ để bán, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp...

Nguồn Khampha


Sự kiện