Thứ Ba | 04/06/2013 13:05

Đề xuất đưa Tổng cục Thống kê thành cơ quan độc lập

Nhiều đại biểu kiến nghị không thành lập Hội đồng Hiến pháp, bởi việc thành lập thể chế mới này sẽ gây chồng chéo nhiệm vụ cho Quốc hội.
Sáng nay, 4/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhiều ý kiến đóng góp sáng nay chủ yếu xoay quanh các vấn đề vai trò lãnh đạo của Đảng, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; về chính quyền địa phương.

Vấn đề về thành lập thể chế kinh tế mới nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn Tiền Giang) đề xuất đưa Tổng cục thống kê thành cơ quan độc lập thay vì là một phần của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để các số liệu thống kê được chính xác. Trong các phiên họp quốc hội trước, nhiều đại biểu đã chất vấn về tính chính xác của các số liệu thống kê.

Đại biểu Tiên cho rằng cần "đưa ngân hàng Trung ương thành một thể chế độc lập sẽ phù hợp với quy định Quốc hội quyết định các chính sách tài chính tiền tệ".

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Tiên cũng kiến nghị không thành lập Hội đồng Hiến pháp, bởi trước nay việc lập pháp đều do Quốc hội đảm nhiệm, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp sẽ gây chồng chéo nhiệm vụ và thể chế mới này sẽ không có vị trí quan trọng.

Tổ chức chính quyền địa phương cũng là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của đại biểu. Đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng chính quyền địa phương là mô hình cốt yếu, nhưng chưa có tổ chức hoạt động rõ rằng.

Hiện nay, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đều có luật của thành phố hoặc Nghị quyết cơ chế ưu đãi được điều chỉnh bằng văn bản cá biệt không phải do Quốc hội quy định, chính vì vậy nhiều địa phương đã "xé rào" đưa ra nhiều quy định vượt quá quy định của Nhà nước.

Vì vậy, Đại biểu kiến nghị Nhà nước nên mạnh dạn đưa Chính phủ nghiên cứu để tìm ra một mô hình bứt phá cho chính quyền địa phương.

Về vai trò công đoàn được thể hiện tại điều 10, đa số đại biểu kiến nghị không nên bỏ quy định này trong Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Đoàn Hải Phòng) cho rằng tổ chức này bảo đảm sự cân bằng phát triển giữa nghĩa vụ của người lao động và quyền lợi của người lao động. Nếu không có tổ chức công đoàn và Công đoàn không được đặt đúng vị trí của nó thì điều đó là điều bất lợi.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện