Đề xuất chưa bỏ thời gian ân hạn nộp thuế nhập khẩu
Nhiều đại biểu đã có ý kiến về thời hạn nộp thuế. Theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Luật Quản lý thuế năm 2006 cho phép thời hạn nộp thuế đối với hàng nhập khẩu là vật tư nguyên liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Dự thảo luật lần này sửa đổi theo hướng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan giải phóng hàng hóa.
Đại biểu Nam cho rằng, quy định này có thể hạn chế hiện tượng lợi dụng chính sách gia hạn thuế để cố tình nợ thuế, song cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích xuất khẩu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang giảm sút như hiện nay.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho hay, chưa cần thiết bỏ quy định thời gian ân hạn 275 ngày đối với các doanh nghiệp sản xuất bình thường hiện nay.
"Dĩ nhiên hiện nay có một thiểu số lợi dụng ân hạn này để kéo dài, chây lười trong vấn đề nộp thuế, có tiêu cực, quan điểm là bịt cái này, tôi nghĩ rằng cần thiết. Tuy nhiên, một nguyên tắc của quản lý thuế và thu thuế bây giờ là hướng vào thuận lợi cho số đông, chứ không bao giờ đi quy định vì thiểu số, thậm chí ở nhiều nước người ta chấp nhận thất thu thuế thiểu số để làm thuận lợi cho đa số", đại biểu Trần Du Lịch nói.
Vị này lấy dẫn chứng từ kiến nghị của Hiệp hội ngành hàng Việt Nam, đại diện cho 5 hiệp hội da giày, dệt may, bông vải sợi, mỹ nghệ chế biến gỗ, thủy sản (đóng góp 35% tổng kim ngạch xuất khẩu). Khi thay đổi quy định thời gian ân hạn, nếu tính lãi vay bình quân ngoại tệ ở mức 12% thì chi phí tài chính tăng thêm 1,5 tỷ USD và chi phí giá thành xuất khẩu tăng 1,5%.
Cũng góp ý cho dự thảo này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đồng thời là đại biểu đoàn Lạng Sơn cho biết, Bộ Công thương đã báo cáo tại kỳ họp của Chính phủ và xin đề nghị cân nhắc xem xét để báo cáo với Quốc hội chưa nên có quy định sửa đổi này.
Qua các cuộc làm việc với doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề, Bộ Công thương đều được phản ánh sự lo ngại với việc thay đổi điều quy định này. Riêng về Hiệp hội da giày, họ cho rằng, nếu như áp dụng quy định này thì một năm sẽ tăng chi phí của ngành da giày lên 600 triệu USD, trong khi kim ngạch thì khoảng 6 tỷ USD.
Theo bộ trưởng, tình hình của năm 2012 với lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu mặc dù có tăng nhưng bước sang 2013 những khó khăn này tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước vấn đề này, Bộ Công thương rất lo với dự kiến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ở mức khoảng 10%.
"Trong bối cảnh hiện nay chúng tôi rất lo không biết bằng cách nào có thể đạt được mục tiêu này. Vì vậy, với tình hình thực tế và với những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng như Quốc hội xem xét và trước mắt chưa có thay đổi quy định này", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề xuất.
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, đại diện cơ quan quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo dự án Luật này cho rằng, luật hiện hành cho ân hạn 275 ngày nhưng với phải thỏa mãn một trong hai điều kiện, thứ nhất là phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng và thứ hai là chấp hành tốt pháp luật hải quan và không nợ tiền thuế.
Tuy nhiên, hiện nay quy định cho ân hạn với đối tượng chấp hành tốt pháp luật và không nợ tiền thuế có vấn đề. Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho hay, 9 tháng đầu năm, cả nước có 311.943 lô hàng nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và 5.752 hợp đồng gia công hàng xuất khẩu, song 5.784 lô hàng và 961 hợp đồng gia công thuộc diện doanh nghiệp chấp hành tốt vẫn chưa tiến hành thanh toán với số tiền nợ thuế quá hạn là 1.497 tỷ đồng. Trong đó, số của doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh đã và đang bị điều tra khởi tố mà không có khả năng thu hồi là 500 tỷ đồng.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu cho rằng sửa đổi quy định này khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên, bộ trưởng Huệ cho rằng "không thể có số liệu chi phí tăng 1,5 tỷ USD".
Bộ trưởng dẫn chứng, năm 2011, tổng giá trị kim ngạch nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu khoảng 6,2 tỷ USD, trong số này chỉ có 2,1 tỷ USD phải chịu thuế nhập khẩu, còn lại là miễn thuễ nhập khẩu.
Với mức thuế suất của khu vực ASEAN là 5%, ngoài ASEAN là từ 6% đến 10%-11%, nếu tính mức bình quân khoảng 6% thì tổng số thuế phải nộp của số này chỉ có 126 triệu USD. Với mức bảo lãnh là 0,05%/tháng thì không thể nào có con số chi phí tăng lên 1,5 tỷ USD như hiệp hội ngành hàng đó báo cáo được, mà chi phí tăng thêm chỉ 0,013%, Bộ trưởng Huệ nói.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết đã yêu cầu Tổng Cục hải quan có báo cáo nhanh để trình lên Quốc hội xem xét, quyết định theo hướng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, gia công hàng xuất khẩu và khuyến khích sản xuất kinh doanh hỗ trợ thị trường nhưng đồng thời phải đảm bảo chấp hành nghiêm pháp luật về thuế.
Nguồn Khampha