Đề xuất cấm bán bia trên vỉa hè và 'người có biểu hiện say'
Trong Báo cáo đánh giá tác động của bia rượu và tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia, Bộ Công Thương nói với lịch sử trên 100 năm, hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng các sản phẩm rượu, bia đã mang lại nhiều lợi ích như góp phần giải quyết việc làm, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, hình thành một nét văn hóa trong đời sống nhân dân...
Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng đã xảy ra nhiều hệ lụy không tốt mà phần lớn là do quản lý không tốt.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia, với mục tiêu thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.
Đáng lưu ý, trong dự thảo nghị định có đưa ra các quy định sau: cấm kinh doanh bia qua máy bán hàng tự động hoặc qua phương thức thương mại điện tử; cấm bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cấm bán cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu.
Các thương nhân kinh doanh bia tại các địa điểm trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè sẽ bị xếp vào hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh bia. Việc sử dụng lao động dưới 18 tuổi phục vụ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia cũng bị cấm.
Sau khi cấm kinh doanh sản phẩm bia hàng loạt như trên thì theo Bộ Công Thương, sau khi Nghị định này có hiệu lực, thuế thu về cho Ngân sách Nhà nước ước tính sẽ tăng thêm khoảng 3.150 tỉ đồng mỗi năm. Phí để cấp Giấy phép sản xuất bia ước tính tăng khoảng 3,5 tỉ đồng mỗi năm.
Hơn nữa, Bộ Công Thương còn khuyến nghị Nhà nước có chính sách về chi ngân sách thoả đáng cho việc thực thi Nghị định, từ khâu phổ biến quy phạm pháp luật đến khâu tuyên truyền và cưỡng chế; tăng cường các lực lượng quản lý thị trường để kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả và sản phẩm vi phạm...
Bộ Công Thương đánh giá Nghị định này sẽ có tác động lớn đến các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là với xã hội.
Chẳng hạn, Nghị định sẽ góp phần hạn chế tình trạng phát triển tràn lan các cửa hàng kinh doanh sản phẩm bia; giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn mà hệ lụy của nó đối với xã hội Việt Nam là bạo lực gia đình, gây mất an toàn trật tự xã hội và tai nạn giao thông đường bộ...
Và rằng, việc ban hành Nghị định là biện pháp hữu hiệu nhất, do có tính pháp lý cao nên sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay của hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng sản phẩm bia như: ngăn chặn tình trạng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, lạm dụng bia; bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng.
Nguồn Một thế giới