Đề xuất ban hành 1 đạo luật đặc biệt để xử lý nợ xấu
Tại hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2014 sáng nay (11/2/2015), TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết có 3 vấn đề lớn trong việc xử lý nợ xấu.
Thứ nhất, số nợ xấu thực sự là bao nhiêu, ở đâu?
Thứ hai, lấy tiền đâu để xử lý nợ xấu, tức bù đắp số vốn đã mất của các tổ chức tín dụng?
Thứ ba, thiết lập thể chế thị trường mua bán nợ đầy đủ để người bán có thể bán được, người mua có thể mua được theo cơ chế thị trường.
Ở vấn đề thứ nhất và thứ hai, ông Cung cho rằng chưa thể trả lời được trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay. Ở vấn đề thứ 3, ông Cung cho rằng có thể thực hiện được, có thể xử lý nợ xấu dần dần, đúng thời điểm.
"Tôi kiến nghị ban hành 1 đạo luật đặc biệt, có hiệu lực từ 5 - 7 năm, chỉ xử lý tài sản thế chấp gắn với nợ xấu", ông Cung nhấn mạnh.
Theo TS. Cung, trong thời gian 5 - 7 năm, đạo luật này triển khai cụ thể, quy định rõ ràng thẩm quyền của VAMC, cách thức mua bán nợ... tạo thị trường mua bán đầy đủ. Sau khi mua bán nợ thành công, đạo luật này sẽ bị vô hiệu hóa.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống năm 2014 là khoảng 3,7-4,2%. Đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm. Ngân hàng Nhà nước đã công khai nhiều thông tin liên quan đến nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Cung tiền tăng nhanh trong các tháng 11 - 12 với mức tăng thậm chí nhanh hơn cả mức tăng vào tháng 6.
Nguồn DVO