
Ảnh: shutterstock.com
Đề phòng chiến tranh tiền tệ
Ngày 8/4, khi Trung Quốc hạ tỉ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ sau nhiều tháng neo giữ dưới mức 7,2 nhằm làm dịu tác động của cuộc chiến thuế quan với Mỹ, một lo ngại về chiến tranh tiền tệ đã nổ ra. Đồng nhân dân tệ đã lập tức rớt xuống mức thấp nhất trong 19 tháng qua.
“Chiến tranh thương mại có thể biến tướng thành chiến tranh tiền tệ”, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, quan ngại nhiều nước có thể bị đẩy vào thế khó khi Trung Quốc dùng công cụ tỉ giá để giảm thiểu tác động của thuế quan. Nếu phải nương theo Trung Quốc thì có nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ và gây bất ổn với dòng đầu tư nước ngoài, có thể dẫn đến tình trạng khối ngoại rút vốn nếu họ dự báo đồng nội tệ của các nước này sẽ mất giá nhiều so với USD. Nhân dân tệ được quản lý một cách cẩn thận, coi như một mỏ neo cho các đồng tiền khác. Điều này có nghĩa là ngay cả những biến động nhỏ cũng có thể tạo ra tác động lớn.
![]() |
Khi các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến thuế quan, các nhà đầu tư lo sợ thương mại toàn cầu chậm lại, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và lợi nhuận doanh nghiệp suy yếu. Sự lo lắng này chuyển thành sự biến động của thị trường. Các công ty trì hoãn quyết định đầu tư, người tiêu dùng mất niềm tin và tiền tệ biến động mạnh.
“Diễn biến thị trường đáng lo ngại nhất gần đây là sự gia tăng lợi suất dài hạn của USD, cùng với sự suy yếu của đồng bạc xanh”, ông Santiago Fernández de Lis, Trưởng phòng Pháp chế Công ty Dịch vụ Tài chính BBVA, nhận định với Weforum. Đồng bạc xanh của Mỹ có vẻ như đang dần mất đi vị thế là nơi trú ẩn an toàn và thiệt hại do chính quyền Mỹ tự gây ra cho nền kinh tế và thị trường tài chính của mình dường như đang làm xói mòn vai trò của USD tại trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu.
Chiến tranh tiền tệ là một cuộc xung đột, trong đó các quốc gia cố gắng giảm giá đồng nội tệ của mình. Điều này nhằm tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, tăng xuất khẩu nhưng làm thiệt thòi các nền kinh tế khác. Trong lịch sử, nền kinh tế thế giới đã trải qua 2 cuộc chiến tiền tệ. Vào năm 2024, khi đồng yen tiếp tục chạm đáy, một số nhà đầu tư bắt đầu nghĩ đến khả năng xảy ra một cuộc chiến tiền tệ mới tại khu vực châu Á.
Có ít lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực, do hầu hết các quốc gia châu Á đều đã được trang bị tốt hơn trước để tránh khả năng lặp lại của cuộc khủng hoảng hồi cuối thập niên 1990. Mặc dù vậy, các nước đều tích lũy dự trữ ngoại hối mạnh hơn, cải cách từ việc giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực tài chính và thị trường vốn địa phương sâu hơn.
Gần đây, USD mất giá giữa lúc lợi suất trái phiếu tăng, hé lộ nỗi bất an về hệ thống chính trị và tài khóa Mỹ. Tính từ đỉnh điểm hồi giữa tháng 1, đồng bạc xanh đã mất hơn 9% giá trị so với rổ tiền tệ chủ chốt. Chỉ riêng từ đầu tháng 4, mức giảm đã chiếm gần 2/5 con số đó, dù lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng thêm 0,2 điểm phần trăm.
Theo The Economist, sự trượt giá của USD trong bối cảnh lợi suất tăng cho thấy tín hiệu đáng lo ngại là dòng vốn có thể đang rời bỏ Mỹ không phải vì lợi nhuận thấp, mà vì lo ngại rủi ro. Nhiều tin đồn cho rằng các quỹ đầu tư nước ngoài lớn đang âm thầm bán tháo USD.
Trong nhiều thập kỷ, nhà đầu tư toàn cầu vẫn tin tưởng vào sự ổn định của tài sản Mỹ, coi đây là trụ cột của hệ thống tài chính quốc tế. Trái phiếu chính phủ Mỹ, với quy mô thị trường lên tới 27.000 tỉ USD, cùng vai trò trung tâm của đồng USD trong giao dịch hàng hóa, dịch vụ và phái sinh đã củng cố vị thế vững chắc của nước này. Cam kết duy trì lạm phát thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nền pháp quyền ổn định tạo nên môi trường an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài.
![]() |
Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần, Tổng thống Donald Trump đã khiến nền tảng tưởng chừng vững chắc đó bị lung lay. Cuộc chiến thương mại do ông Trump khơi mào đã khiến thuế quan tăng gấp 10 lần, kéo theo bất ổn kinh tế sâu sắc. “Nếu hệ thống chính trị Mỹ tiếp tục phớt lờ nợ công và sa đà vào điều hành tùy tiện, nguy cơ xảy ra địa chấn tài chính toàn cầu là có thật”, The Economist bình luận.
Dù vậy, tình hình có vẻ lạc quan trước nguy cơ nổ ra cuộc chiến tranh tiền tệ và ảnh hưởng đến Việt Nam. Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng việc các quốc gia phá giá đồng nội tệ để có lợi thế thương mại cần phải được xem xét lại. Chúng ta không thể tham gia vào cuộc chiến phá giá đồng tiền nhằm có lợi thế xuất khẩu để rồi mang lại những món lợi gần như rất thấp. Động lực tăng trưởng chính của Việt Nam ở thời điểm hiện tại đến từ các yếu tố trong nước, các yếu tố nội tại như tiêu dùng và đầu tư công.
“Trong kịch bản cơ sở, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ phải tham gia vào việc cố gắng giảm giá đồng tiền để có lợi ích về mặt thương mại, mà nên tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa hơn”, ông Hưng bình luận về khả năng chiến tranh tiền tệ bùng nổ.