Đề nghị ưu đãi hải quan cho 3 doanh nghiệp thuộc Samsung Việt Nam
Trước đó, Bộ Tài chính nhận được công văn của 3 công ty thuộc Tập đoàn Samsung đề nghị xin áp dụng chế độ ưu tiên, gồm Công ty Samsung Display, Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam và Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam.
Công ty Samsung Display là dự án thành phần trong tổ hợp công nghệ cao Samsung Yên Phong, Bắc Ninh. Công ty có tổng vốn đầu tư dự kiến 1 tỷ USD, số lao động dự kiến là 8.000 người. Dự án khởi công xây dựng vào tháng 7/2014, sản xuất chính thức vào tháng 4/2015.
Dự án này nhằm nghiên cứu phát triển liên quan đến sản xuất màn hình có độ phân giải cao; sản xuất, lắp ráp các loại màn hình có độ phân giải cao, gồm cả màn hình cong và uốn cong cho tất cả các loại thiết bị điện tử với tất cả các loại và kích cỡ khác nhau.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh thì dự án Samsung Display đáp ứng các điều kiện công nghệ cao theo quy định.
Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam có tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, dự kiến sử dụng trên 10.000 lao động. Dự án này khởi công xây dựng vào tháng 9/2013 và dự kiến chính thức hoạt động từ tháng 1/2015.
Công ty này chuyên sản xuất linh kiện và hiện tập trung vào các ngành công nghiệp tương lai khác như EV, tự động, năng lượng và công nghệ sinh học. Dự án ở Việt Nam có mục tiêu sản xuất, lắp ráp bảng mạch in kết nối mật độ cao HDI và các linh kiện, phụ tùng như camera module, bộ nắn điện… cho các thiết bị viễn thông và thiết bị di động công nghệ cao.
Về Hansol Electronics Việt Nam, đây là doanh nghiệp chế xuất, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, dự kiến sử dụng hơn 7.000 lao động. Dự án khởi công tháng 12/2013, dự kiến hoạt động chính thức tháng 8/2014. Mục tiêu hoạt động là nghiên cứu phát triển các loại điện thoại di động, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện điện thoại di động; sản xuất, lắp ráp điện thoại, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện điện thoại di động.
Bộ Tài chính cho biết, đối chiếu quy định hiện hành về áp dụng chế độ ưu tiên thì 3 công ty này chưa đáp ứng đủ điều kiện, đó là chưa có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm để có thể đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật và mức độ tin cậy.
Tuy nhiên, qua cam kết của các công ty, cộng với uy tín, danh tiếng thương hiệu của Tập đoàn Samsung trên thế giới, Bộ Tài chính cho rằng khi các công ty nêu trên đi vào hoạt động sẽ đạt được quy định theo pháp luật Việt Nam về chế độ ưu tiên. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc công nhận chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hải quan đối với 3 công ty nói trên. Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, Bộ sẽ hướng dẫn các công ty này hoàn thành thủ tục để sớm được áp dụng chế độ ưu tiên.
Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng hướng dẫn, cho phép bổ sung quy định tại Thông tư thay thế Thông tư số 86/2013/TT-BTC trên cơ sở nguyên tắc: “Các doanh nghiệp có quy mô lớn, vốn đầu tư lớn, sử dụng nhiều lao động, dự án quan trọng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước khi cấp phép đầu tư, Bộ Tài chính sẽ xem xét, công nhận chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hải quan khi công ty đang xây dựng, hình thành cơ sở vật chất”.
Trong thời gian chưa sửa Thông tư 86/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng xin phép Thủ tướng cho áp dụng nguyên tắc này để xử lý đối với các công ty thỏa mãn những yếu tố tương tự 3 công ty nói trên.
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 86/2013/TT-BTC, thời hạn đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp là 24 (hai mươi bốn) tháng trở về trước, kể từ ngày Tổng cục Hải quan nhận được văn bản của doanh nghiệp đề nghị được công nhận là DN ưu tiên.
Nguồn Theo DVO/TCHQ