Thứ Năm | 03/10/2013 12:45

Đề nghị phát hành thêm 285.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ

Số vốn dự kiến còn lại phát hành 2014-2015 là 75.000 tỷ đồng, không thấm vào đâu so với tổng nhu cầu vốn TPCP trong 3 năm 2014-2016.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự kiến phải phát hành thêm 285.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) ngoài kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt cho giai đoạn 2014-2016 để bổ sung vốn cho các dự án cấp bách và bổ sung vốn đối ứng cho các dự án hỗ trợ phát triển ODA, dự án hợp tác công-tư PPP.

Tổng số vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 đã được Quốc hội thông qua là 225.000 tỉ đồng. Đến hết năm 2013 đã giao kế hoạch 150.000 tỉ đồng. Số vốn kế hoạch TPCP còn lại 2 năm 2014-2015 chỉ còn lại 75.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, số vốn dự kiến còn lại không thấm vào đâu so với tổng nhu cầu vốn TPCP trong 3 năm 2014-2016.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất bổ sung thêm vốn TPCP để đầu tư các dự án trong danh mục TPCP giai đoạn 2012-2015 đang đầu tư dở dang còn thiếu vốn; các dự án khởi công mới, bao gồm cả dự án quốc lộ 1A và quốc lộ 14.

Ngoài ra, do vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2014 giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất phát hành thêm TPCP để bổ sung vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, vốn đối ứng cho các dự án PPP.

Tổng nhu cầu phát hành thêm có thể lên đến 500.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi cân đối dự báo tăng trưởng kinh tế, nhu cầu đầu tư thực tế và khả năng vay-trả nợ của Chính phủ, liên quan đến trần nợ công trong 3 năm tới, bộ này dự tính giai đoạn 2014-2016 có thể phát hành thêm 360.000 tỉ đồng TPCP (bao gồm trong đó cả 75.000 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua). Như vậy Chính phủ sẽ phải xin Quốc hội phê duyệt 285.000 tỉ đồng TPCP vượt trần.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, số vốn vượt trần này chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vốn TPCP của các bộ ngành, địa phương. Mức đó vẫn đảm bảo an toàn nợ công vì với trần nợ công không quá 65% thì mức phát hành TPCP khoảng 430.000-450.000 tỉ đồng.

Bộ này giải trình rằng, nếu phương án phát hành thêm được thông qua sẽ cơ bản có vốn đảm bảo hoàn thành các dự án đã được Quốc hội thông qua danh mục giai đoạn 2012-2015, và 1.092 dự án sẽ được đưa vào sử dụng trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, phương án này có thể đoảm bảo vốn để thực hiện dự án quốc lộ 1A và quốc lộ 14, bù đắp phần vốn đối ứng ngân sách trung ương của các chương trình, dự án ODA và bổ sung thêm vốn đối ứng các dự án PPP nhằm thu hút thêm vốn cho các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện