Đề nghị Nhật đổi quy định dư lượng Ethoxyquin cho tôm Việt Nam
Nếu tiếp tục có doanh nghiệp bị kiểm 100% nữa thì có thể Nhật Bản sẽ tiến hành kiểm 100% đối với cả Việt Nam, khi đó tôm Việt Nam sẽ khó có thể nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Để bảo vệ uy tín sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản và tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, ngày12/7/2012, VASEP có văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các hoạt động khẩn cấp cần thiết tăng cường các hoạt động ngoại giao để Nhật Bản điều chỉnh lại giới hạn cho phép đối với chất Ethoxyquin từ 10ppb lên 100ppb. Trong trường hợp cần thiết, kịp thời xem xét các qui định, nếu đủ điều kiện, tiến hành kiện Nhật Bản ra WTO về SPS trong trường hợp Nhật Bản vẫn không thay đổi qui định trên.
VASEP cho biết, trong 2 năm gần đây, tôm nhập khẩu từ Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản tăng cường kiểm tra, kiểm soát dư lượng các loại hóa chất kháng sinh. Cụ thể, năm 2010, Nhật Bản tăng cường kiểm soát Trifluralin và lại tiếp tục tăng cường kiểm tra Enrofloxacin trong tôm Việt Nam trong năm 2011 với mức dư lượng cho phép thấp hơn 10 lần so với EU. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong 2 năm qua.
Đến giữa tháng 5/2012, Nhật Bản lại quyết định kiểm tra 30% các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam đối với chỉ tiêu Ethoxyquin với mức giới hạn cho phép là 0,01ppm (10ppb), nhưng lại không áp dụng kiểm tra đối với các nước xuất khẩu tôm khác vào thị trường này như Thái Lan, Indonesia...Việc Nhật Bản áp mức kiểm Ethoxyquin trong thành phẩm tôm ở mức 10 ppb hoàn toàn không dựa vào quy định hay dữ liệu nào của Nhật Bản.
Mặt khác, đến thời điểm này chưa có bằng chứng khoa học nào trên thế giới chứng minh Ethoxyquin là loại hóa chất gây nguy hại và hiện được dùng rộng rãi làm chất chống oxy hóa trong sản phẩm bột cá - loại nguyên liệu chính dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tại Nhật Bản và các nước phát triển khác, Ethoxyquin được sử dụng trong bột cá với mức cho phép từ 75 đến 150ppm.
Việc Nhật Bản sử dụng các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm quá nghiêm ngặt đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 2 Hiệp định về Áp dụng các Biện pháp Vệ sinh và Vệ sinh Thực vật (Hiệp định ASPM) - đây là nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo các thành viên không sử dụng các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm làm rào cản thị trường. Dựa trên nguyên tắc này, việc Nhật Bản áp dụng các biện pháp kiểm soát tôm Việt Nam với tiêu chuẩn cao hơn so với FAO, tiêu chuẩn áp dụng cho tôm sản xuất nội địa hoặc nhập từ nước khác thì đây là cơ sở để khởi kiện.
Nguồn Báo Công Thương