Thứ Ba | 12/06/2012 15:58

Đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân cho đối tượng ở bậc 1

Với giải pháp này có thể hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tồn kho, tăng cầu tiêu dùng.
Trong thảo luận tại hội trường sáng 12/6 về các giải pháp hỗ trợ liên quan đến thuế, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng) nêu ý kiến: "Miễn thuế thu nhập cá nhân ở các bậc trong khi chờ đợi sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân, số tiền này khoảng 2.500 tỷ đồng nhưng bù lại có thể hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tồn kho, tăng cầu tiêu dùng".

Thuế thu nhập cá nhân bậc 1 được áp dụng với cá nhân có thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở xuống.

Những đối tượng này sẽ phải nộp thuế với thuế suất 5% với khoản thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.


Đối với những người công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở vùng một, Đại biểu Trần Thanh Hải (đoàn TPHCM) cho biết, mức lương cơ bản hiện nay là 2 triệu đồng. Để những người công nhân đó đang đóng thuế nhu nhập cá nhân họ phải nỗ lực rất nhiều, nhất là phải tăng ca.

"Chính vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội nghiên cứu tiếp tục thực hiện chính sách như năm 2011 Quốc hội đã ban hành, chí ít chúng ta sẽ thực hiện được miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 đối với những người công nhân lao động làm công hưởng lương, góp phần cho họ tiếp tục duy trì cuộc sống và một phần nào đó có thể thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp" - đại biểu Trần Thanh Hải nói.

Mở rộng đối tượng hơn một chút, đại biểu Mai Hữu Tín (đoàn Bình Dương) cho rằng, Nghị quyết 8 năm 2011 của Quốc hội có giải pháp giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp ngày 1/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 về hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân. Điều này có nghĩa nhà đầu tư cá nhân đầu tư cổ phần vào các công ty tài chính hoặc công ty niêm yết khi bán cổ phần của họ mà có lãi thì được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó các nhà đầu tư cá nhân khác đầu tư vào cổ phần hoặc phần vốn góp tại các doanh nghiệp chưa đại chúng hoặc các doanh nghiệp chưa niêm yết lại không nhận được ưu đãi này.

 "Vô tình các nhà đầu tư vào các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn khác đã bị phân biệt đối xử" - đại biểu Hữu Tín nhấn mạnh.

Theo đại biểu Hữu Tín, hiện nay, do khó khăn các nhà đầu tư cần chuyển nhượng vốn đầu tư của họ trong các doanh nghiệp khác để tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính. Giá trị chuyển nhượng hiện nay có thể cao hơn giá trị góp vốn hoặc mua cổ phần ban đầu nhưng nếu tính cả lạm phát và lãi suất thì chắc chắn là lỗ. Thế nhưng, nếu có chênh lệch vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân 100%. Do vậy, chúng ta cần điều chỉnh điều này để họ cũng được giảm thuế như các nhà đầu tư vào chứng khoán.

Ngoài ra, đại biểu Trương Ngọc Ánh (đoàn TPHCM) đề nghị giảm 50% mức thuế suất, thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đường, thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh cho cây trồng, thức ăn gia súc, gia cầm nhằm ổn định giá cả sinh hoạt, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Nguồn VOV News


Sự kiện