Thứ Năm | 06/11/2014 16:52

Đề nghị kiểm tra doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá cước

Hôm nay (6-11) Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu ký công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường quản lý giá, đặc biệt làm rõ việc giá xăng đã giảm 8 lần nhưng giá cước vận tải vẫn “án binh bất động”.

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng đã điều chỉnh giảm 8 lần, giá dầu diezen giảm 15 lần, tuy nhiên qua theo dõi thì giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá nhiên liệu trên thị trường chưa thể hiện rõ xu hướng giảm. Trong đó cước vận tải là loại giá chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu cũng chưa có biến động giảm tương ứng, gây nên nhiều ý kiến trong dư luận.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ chấp hành nghiêm quy định về quản lý vận tải, giá cước vận tải.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải, quản lý cước vận tải, chỉ đạo DN vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và giá các yếu tố đầu vào.

Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. Đối với cước vận tải ô tô trên địa bàn, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị vận tải chấp hành nghiêm quy định về quản lý giá cước vận tải.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế kiểm tra các DN vận tải, rà soát giá cước vận tải đã kê khai, trường hợp biến động của chi phí xăng dầu tác động làm giảm giá thành vận tải thì yêu cầu DN tính toán giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu, đặc biệt là những DN đã kê khai tăng giá cước tại thời điểm xăng dầu tăng giá trong năm 2014.

Ngoài ra, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, giá cước vận tải và thu giá cước theo đúng quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Báo Hải quan đã đưa tin, tính đến ngày 26-10, chỉ có 1 DN taxi tại Hà Nội giảm giá cước khoảng 300 đồng/km sau 8 lần giá xăng giảm giá đó là hãng taxi Group, tương ứng mức giảm khoảng 1,9%.

Theo tính toán của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong cơ cấu giá cước vận tải taxi, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40- 45%, với biến động giá nhiên liệu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 thì chỉ có 3 DN có điều kiện xem xét giảm giá cước là Mai Linh, Group và Vạn Xuân. Các DN khác mức giảm giá xăng dầu vẫn chưa đủ tác động giảm chi phí nhiên liệu đã tính trong giá cước.

Cước vận tải tuyến cố định, tuyến vận tải ô tô từ bến xe ô tô miền Đông đi miền Trung hiện tại có 4 DN giảm giá cước với biên độ nhẹ, khoảng vài phần trăm (%), các tuyến khác chưa có động thái giảm giá. Theo ý kiến của một số DN cho biết, do chi phí nhiên liệu thời gian vừa qua có giảm, tuy nhiên một số chi phí tăng như chi phí nhân công, sửa chữa, phương tiện… nên DN cần cân nhắc việc giảm giá.

Hiện nay Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Giá cước vận tài ô tô hiện do đơn vị vận tải tự quy định phù hợp với thị trường và thực hiện kê khai giá cước với cơ quan quản lý Nhà nước, gồm Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tả và Cục Thuế, theo quy định.

Giá xăng từ đầu năm đến nay đã được điều chỉnh giảm 8 lần với tổng cộng 3.300 đồng/lít, đứng ở mức 22.780 đồng/lít.

Nguồn: Báo Hải quan