Thứ Tư | 30/10/2013 13:29

Để không còn mơ hồ về "GDP tỉnh thành"

GDP chỉ được dùng để đo lường một nền kinh tế hoàn chỉnh.
Sai đâu chỉ ở truyền thông

Trong cuộc họp báo thường kì tháng 10 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều ngày 26/10, trước câu hỏi liên quan đến "GDP có chân" - một vấn đề nóng trong thời gian gần đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: cần làm rõ việc có hay không khái niệm "GDP tỉnh thành"?

Trước đó, những tranh luận về "GDP tỉnh thành" bắt đầu được dư luận chú ý sau phát biểu của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại một cuộc họp cuối tháng 9: “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5%, thì không biết GDP chạy đi đâu?”

"GDP tỉnh thành" - một khái niệm đã trở nên phổ biến và nhanh chóng trở thành cách dùng quen của nhiều phương tiện thông tin truyền thông. Không khó để tìm kiếm những cụm từ về GDP các tỉnh cụ thể trên một số trang báo mạng và báo in. Cứ thế, vô hình chung một khái niệm không chính xác trong kinh tế học được tạo ra.

Chẳng riêng gì truyền thông, ngay cả cơ quan sở tại địa phương cũng dùng "GDP tỉnh thành". Báo cáo "Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Long An năm 2012" vẫn xuất hiện cụm từ GDP để chỉ tổng sản phẩm của tỉnh, trong khi chính xác đó phải là GRDP.

Hiểu đúng về GDP và GRDP

Một trong những cuốn sách nằm lòng của những người nghiên cứu kinh tế là "Principles of economics" của N. Gregogry Mankiw, giáo sư đại học Hav. Khái niệm GDP (Gross Domestic Product) được Mankiw cắt nghĩa chi tiết trong Chương 22: Hạch toán thu nhập quốc dân.

Xin dẫn bản dịch của TS. Phạm Thế Anh như sau: "Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một nước, trong một thời kì nhất định".

Định nghĩa của Mankiw được hầu hết các nhà kinh tế học công nhận. Tuy còn nhiều cách định nghĩa khác, nhưng có một điểm luôn thống nhất để hiểu đúng về khái niệm GDP.

Trước hết, GDP là chỉ số kinh tế mang tính tổng lượng của một nền kinh tế với tư cách tổng thể (hay hoàn chỉnh). Dùng để đo lường cho một nền kinh tế tổng thể nên GDP được tính toán trong "phạm vi một nước", chứ không phải một thành phố, một tỉnh hay một vùng kinh tế, vì không phải là nền kinh tế tổng thể (theo cách định nghĩa về GDP của Mankiw) hay một nền kinh tế hoàn chỉnh (theo cách định nghĩa GDP của David Begg).

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, bản thân thuật ngữ GDP chỉ đúng với nền kinh tế hoàn thiện, không có khái niệm GDP với từng tỉnh.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, bản thân thuật ngữ GDP chỉ đúng với nền kinh tế hoàn thiện, không có khái niệm GDP với từng tỉnh.

Tiêu chuẩn "tổng thể" hay "hoàn chỉnh" đều nhằm phản ánh đặc điểm của một nền kinh tế bao gồm nhiều triệu đơn vị kinh tế riêng lẻ: các hộ gia đình, các hãng, các bộ, ngành thuộc chính quyền trung ương và các ngành thuộc chính quyền địa phương.

Có nghĩa, GDP chỉ được dùng để đo lường một nền kinh tế hoàn chỉnh có đầy đủ các yếu tố kể trên. Lý thuyết và thực tế đều công nhận một nước mới có đáp ứng đầy đủ phạm vị đo lường của GDP, còn các đơn vị nhỏ như tỉnh thành thì không. Không chỉ bởi chủ thể tại tỉnh thành không bao gồm các chủ thể kinh tế thuộc trung ương mà ngay cả số lượng nhỏ của các chủ thể còn lại như hộ gia đình, hãng,... cũng không thể phản ánh chính xác được tổng thể của nền kinh tế hoàn chỉnh.

Như vậy, rõ ràng không thể có khái niệm gọi là GDP tỉnh thành hay nói đúng hơn, GDP đo lường cho cả nước, chứ không tính toán riêng cho từng tỉnh thành.

Tại Việt Nam, số liệu GDP cả nước được Tổng Cục thống kê (GSO) ban hành theo quý (3 tháng một lần), do đó nếu ai có đề cập về GDP tháng cũng là một khái niệm không có trong thực tiễn. Còn số liệu của các tỉnh thực chất là Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - Gross Regional Domestic Product).

Các tỉnh thường dùng chỉ số GRDP để đo lường tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong phạm vi một tỉnh. Một số nước trong khu vực cũng tính GRDP cho phạm vi cấp tỉnh giống Việt Nam, chẳng hạn như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,...

Nói vậy không phải để biện minh cho sự vênh có thật giữa số liệu địa phương và cả nước. Quả thật, trong hai năm 2010-2011, tốc độ tăng GRDP của 63 tỉnh thành đều trên 2 con số trong khi của cả nước lần lượt là 6,42% và 6,24%.

Ngay chính Bộ trưởng cũng chia sẻ: “Tôi cũng đã làm ở địa phương. Tâm lý ở địa phương, bệnh thành tích hơi nặng, nhưng đúng là ai cũng muốn tình hình kinh tế - xã hội của địa phương mình được nhìn nhận tốt".

Theo Bộ trưởng, cho dù chuyện số liệu chênh lệch giữa địa phương và cả nước là có, "nhưng không phải vì thế mà chúng ta gọi là GDP tỉnh được”!

Tâm Vũ
Nguồn tham khảo:

Nguyễn Bích Lâm, 2013.Đau đáu “món nợ” của người làm thống kê, http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Dau-dau-mon-no-cua-nguoi-lam-thong-ke/182938.vgp, truy cập ngày 30/10/2013.


N. Gregory Mankiw, 1997. Nguyên lý kinh tế học, chương 22. Dịch từ tiếng Anh. Phạm Thế Anh, 2003. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.