Để giảm phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc: Vẫn có nhiều hướng đi
Tìm nguồn thay thế
Từ năm 2011 trở về trước, nguyên liệu Trung Quốc chiếm 70% trong tổng nguồn cung nguyên liệu cho Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài gòn (Garmex Saigon). Nhưng hiện tỷ lệ này đã giảm còn 50% và do khách hàng chỉ định. Vì Garmex Saigon đang làm theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), nên tỷ lệ phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc khá thấp so với những doanh nghiệp may gia công.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Saigon, cho biết công ty này đang rà soát để xem xét khả năng thay thế bằng các nguồn cung tại Việt Nam hay từ các nước khác. Chẳng hạn một số loại vải đặc thù và có giá trị cao thì có thể tính toán thay thế bằng nguyên liệu của Đài Loan, Hàn Quốc; còn những nguyên liệu không đòi hỏi công nghệ cao thì tìm các nguồn thay thế ở trong nước. Ông Hùng tin rằng khách hàng sẽ đồng ý việc thay thế đối tác cung cấp nguyên liệu. Vì từ hơn hai năm trước, Garmex Saigon đã tìm được nguồn vải nội địa và đã thuyết phục được một khách hàng Mỹ, và hai năm nay, mỗi năm công ty đều mua khoảng 1 triệu mét vải nội địa.
Theo ông Hùng, thường thì khách hàng đã quen với những nhà cung ứng cũ và không có lý do gì để họ phải thay đổi. Nếu doanh nghiệp muốn thay thế bằng nguồn cung mới thì phải thuyết phục được khách hàng là tại sao cần phải thay đổi và cung cấp cho họ đầy đủ thông tin về giá cả, chất lượng, các vấn đề môi trường... của nguồn cung mới.
Theo báo cáo của VITAS, quy mô ngành dệt may Việt Nam được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025, đạt doanh thu 46 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu là 40 tỉ đô la Mỹ. Có nghĩa là đến lúc đó, để hoàn thiện chuỗi cung ứng trong nước, toàn ngành cần có 12 triệu cọc sợi, 12 tỉ mét vuông vải/năm và 5 triệu lao động (thay vì 2,5 triệu lao động như hiện nay).Tính đến hết năm 2013, toàn ngành có 6,1 triệu cọc sợi, sản xuất 720.000 tấn sợi xơ ngắn, 150.000 tấn sợi xơ dài và 1,4 tỉ mét vuông vải mỗi năm. |
Đó là riêng trường hợp của Garmex Saigon. Nhìn tổng thể thì ngành may có thể tìm những nguồn thay thế nguyên liệu nào?
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong năm 2013, ngành may cả nước sử dụng 7,4 tỉ mét vuông vải nhưng phải nhập đến 6 tỉ mét vuông. Hầu hết vải nhập khẩu được dùng để gia công hàng may mặc xuất khẩu. Mỗi năm, Trung Quốc bán sang Việt Nam khoảng 3-4 tỉ mét vải với giá cả khá cạnh tranh. Theo một số chuyên gia trong ngành, khi nghĩ đến nguồn thay thế nguyên liệu tức thời, ngành may có thể chọn lọc nguồn từ Ấn Độ, Indonesia, Pakistan vì giá cả cũng tương đương với Trung Quốc.
Nội địa hóa và bài toán dài hạn
Các nguồn cung trên là về ngắn hạn. Về dài hạn, Việt Nam phải tính đến việc xây dựng nguồn cung cấp ở ngay trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu.
So với 6 tỉ mét vải nhập mỗi năm thì năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 1 tỉ mét! Theo một chuyên gia không muốn nêu tên, nguyên nhân là do các nhà sản xuất trong nước không đủ vốn và kỹ năng quản lý về kỹ thuật nên giá sản phẩm không cạnh tranh, đặc biệt là so với vải Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền các tỉnh cũng rất ngần ngại cấp phép cho các nhà máy nhuộm vì lo ngại các vấn đề môi trường.
Chuyên gia này cho rằng để xây dựng thành công nguồn nguyên liệu trong nước, Việt Nam phải làm hai việc. Thứ nhất là tạo cơ chế khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực nhuộm. Hiện có điểm thuận lợi là nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến các dự án dệt nhuộm tại Việt Nam vì cho rằng sẽ có lợi khi Việt Nam tham gia TPP và Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu.
Thứ hai là Việt Nam phải có khu công nghiệp (KCN) quy hoạch chuyên ngành dệt nhuộm có phương án kỹ thuật và quản lý tốt các vấn đề ô nhiễm môi trường. Một KCN sản xuất 1 tỉ mét vải/năm thì mỗi ngày sẽ phải thải ra khoảng 100.000 mét khối nước thải, nếu không quản lý tốt, tác hại đối với môi trường là rất lớn.
Vị này cũng cho biết hiện đã có một số ít KCN dành riêng cho dệt nhuộm nhưng lại được đặt ở vị trí sâu trong đất liền và trên vùng đất cao (chẳng hạn như Tây Ninh) nên dễ trở thành “trái bom nổ chậm” nếu xử lý nước thải không tốt. Do đó, việc quy hoạch các KCN gần biển, tránh khu dân cư đông đúc là rất quan trọng.
Chuyên gia này cho rằng nếu Chính phủ làm được những điều này thì chắc chắn trong năm năm tới, Việt Nam có thể sản xuất thêm được 4-5 tỉ mét vải, đáp ứng được một nửa nhu cầu vải (dự kiến là 9 tỉ mét vải/năm) phục vụ xuất khẩu của ngành may.
Cùng quan điểm này, ông Lê Quang Hùng cho rằng việc xây dựng nguồn cung nguyên liệu trong nước cho ngành may cần một hoạch định tổng thể và có sự chủ trì của Bộ Công Thương, chứ mỗi doanh nghiệp không thể tự làm.
Về lâu dài, để có thể chủ động được nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp chỉ có cách làm ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán thành phẩm cho khách hàng).
Chung quy việc phụ thuộc vào nguyên vật liệu Trung Quốc cơ bản là vì giá bán nguyên vật liệu của họ rất cạnh tranh. Để giải quyết được bài toán này phải có sự đồng lòng quyết tâm từ người dân, doanh nghiệp cho đến Chính phủ.Đối với doanh nghiệp, thứ nhất, cần cơ cấu lại đối tượng và phân khúc khách hàng; thuyết phục họ chuyển hướng ưu tiên cho nguồn nguyên vật liệu nội địa hoặc từ các nước trong Hiệp định TPP. Thứ hai, cần chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời, nghiên cứu các giải pháp tối ưu hóa năng suất lao động. Thứ ba, triển khai các giải pháp tránh thất thoát lãng phí, giảm chi phí, giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.Về phía Chính phủ, thiết nghĩ việc cấp thiết là ngăn chặn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả ngay từ biên giới cửa khẩu. Kế đến là các chính sách ưu đãi về vốn vay, thuế và giá thuê đất để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, cũng là để đón đầu Hiệp định TPP! Đối với giới thương nhân và người tiêu dùng, cần kiên quyết tẩy chay, không kinh doanh và sử dụng hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc. Người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu, từng bước củng cố và theo kịp các nền sản xuất tiên tiến trên thế giới.Theo tôi, để giảm việc phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc, các nhà sản xuất hàng dệt may Việt Nam cần chọn lựa cân nhắc để ưu tiên sử dụng sản phẩm của các nhà cung cấp trong nước và một số nước khác, đồng thời kiểm soát chất lượng sản phẩm của mình chặt chẽ hơn nữa để nâng cao sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của nhau để hỗ trợ nhau tăng năng lực cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài.Các nhà phân phối, đặc biệt là các siêu thị cũng cần đặt mối quan tâm ưu tiên cho hàng Việt. Giới truyền thông tiếp tục thông tin chính xác về những trường hợp bị ảnh hưởng do sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng của Trung Quốc. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.Tôi cho rằng việc chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp dệt may Nhật Bản, Hàn Quốc từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian gần đây sẽ kích thích ngành nguyên phụ liệu dệt may trong nước phát triển trong thời gian tới. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khi vòng đàm phán TPP hoàn tất với Việt Nam, nhiều cơ hội sẽ mở ra. Việt Nam lúc đó sẽ có thị trường cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương để tìm nguồn nguyên liệu thay thế, thoát khỏi sự phụ thuộc hàng Trung Quốc, cộng với việc hưởng thuế xuất khẩu 0% sẽ tạo ra một trong những lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may trong nước.Trong giai đoạn 2014-2016, ngành dệt may Việt Nam có thể bị chững lại vì các doanh nghiệp phải tìm cách xoay trở, tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế. Nhưng sau đó, ta sẽ có sự tự chủ cao trong sản xuất kinh doanh. |
Nguồn Saigon times