Thứ Hai | 14/01/2013 16:35

Đề án mua bán nợ nhìn từ sức ép tái cơ cấu kinh tế

Gánh nặng xử lý nợ xấu vẫn thuộc trách nhiệm của NHTM. Điều này có thể khiến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế khó có thể đẩy nhanh được.
Đề án thành lập công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) hiện đang dần được hé lộ trong tuần qua trên một số báo. Theo đó, các khoản nợ xấu của ngân hàng sẽ được VAMC mua lại theo giá trị sổ sách. Các ngân hàng Thương mại (NHTM) bán nợ sẽ được VAMC thanh toán bằng trái phiếu xử lý nợ, và có thể dùng trái phiếu này thế chấp tại ngân hàng nhà nước (NHNN) để vay chiết khấu.

Khi thu hồi được các khoản nợ, NHTM sẽ được 85%, còn VAMC sẽ được hưởng 15% giá trị thu hồi. Còn nếu NHTM không thu hồi được khoản nợ, VAMC cũng chỉ mất chi phí xử lý và chi phí quản lý nợ. Như vậy, gánh nặng xử lý nợ xấu vẫn thuộc trách nhiệm của các NHTM. Điều này có thể khiến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế khó có thể đẩy nhanh được.

Tiềm ẩn nguy cơ gây lạm phát

Mục đích của NHNN khi đề xuất giải pháp thành lập VAMC như các tờ báo trích nguồn tin là không cần phải dùng ngân sách để xử lý khoản nợ xấu với quy mô lên tới từ 250.000 – 400.000 tỷ đồng của toàn bộ hệ thống tín dụng.

Ưu điểm lớn nhất của giải pháp này là không những không tiêu tốn ngân sách nhà nước mà còn có thể đảm bảo VAMC hoạt động có lãi. VAMC thực chất chỉ là một cơ quan đứng ra tập hợp và lưu trữ sổ sách về các khoản nợ xấu của toàn bộ hệ thống tín dụng. Không hề có một khoản tiền thực nào được chuyển qua lại giữa VAMC và các NHTM khi mua bán nợ. VAMC còn có thể được nhận 15% số tiền nợ xấu nếu như các NHTM xử lý được các khoản nợ xấu này.

Đối với các NHTM, khi nhận trái phiếu VAMC và có thể đem trái phiếu này để vay chiết khấu tại NHNN, thì có thể nói thanh khoản của các NHTM có nợ xấu lớn đã được cải thiện đáng kể. Dù chỉ nhận được 30% hay 50% giá trị của VAMC thì các ngân hàng có nhiều nợ xấu đã được bổ sung thêm một lượng tiền đáng kể, mà không phải huy động từ dân cư hoặc vay liên ngân hàng với lãi suất cao.

Tuy nhiên, thực chất của hoạt động cho vay chiết khấu dùng trái phiếu VAMC thế chấp là NHNN đã bơm tiền với lãi suất thấp (7% hiện nay) cho nền kinh tế. Nếu như toàn bộ trái phiếu VAMC được các NHTM đem đi chiết khấu thì lượng tiền có mức lãi suất thấp nhân tạo này được bơm ra có thể lên tới 125.000 – 200.000 tỷ đồng. Khi đó đương nhiên các NHTM không phải huy động của người dân với mức lãi suất cao như hiện nay. Nếu NHNN không có biện pháp để trung hoà lượng tiền này thì phần thiệt hại đương nhiên sẽ được đẩy sang phía người gửi tiền. Không chóng thì muộn lượng tiền giá rẻ bơm ra này sẽ chuyển sang thành lạm phát.

Trong trường hợp NHNN muốn điều hoà lượng cung tiền giá rẻ được bơm ra từ việc chiết khấu VAMC để chống lạm phát, thì hoặc NHNN sẽ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc sẽ phải phát hành tín phiếu với lãi suất cao hơn. Trong trường hợp đầu thì phần thiệt sẽ thuộc về các NHTM có tỷ lệ nợ xấu thấp, còn trong trường hợp sau thì phần thiệt sẽ thuộc về NHNN. Nói tóm lại sẽ không có bữa ăn trưa miễn phí ở đây.
Sức ép cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Nhược điểm lớn nhất của giải pháp hình thành VAMC như trên là nó không tạo ra sức ép đủ mạnh cho các bên liên quan đến nợ xấu phải tiến hành tái cấu trúc.

Mặc dù đã chuyển giao các khoản nợ cho VAMC nhưng thực chất thì các NHTM vẫn phải có trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu này. Về nguyên tắc, những NHTM có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ đều nằm trong danh sách buộc phải bán nợ cho VAMC để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3%.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu giảm về mặt danh nghĩa, nhưng các NHTM vẫn phải tìm cách xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC nên gần như tỷ lệ nợ xấu thực tế của toàn bộ hệ thống NHTM sẽ không giảm.

Các NHTM chỉ tạm thời không phải hạch toán các khoản thua lỗ ngay với các khoản nợ này mà được phân bổ dần trong nhiều năm. Điều này sẽ giúp cho các NHTM không bị mất vốn ngay nếu xử lý nợ xấu nhưng chắc chắn, lợi nhuận trong các năm sau của những NHTM có nợ xấu phải bán này sẽ vẫn chỉ ở mức thấp do tiếp tục phải dự phòng các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC.

Đối với các NHTM có tỷ lệ nợ xấu không cao thì cơ chế xử lý nợ xấu thông qua VAMC có thể khiến các công ty này giảm động lực xử lý nợ bởi khi thu được nợ xấu các NHTM phải trả cho VAMC 15% giá trị khoản tiền thu được. Nếu các NHTM thu hồi được nợ xấu càng nhanh thì số tiền trả cho VAMC bình quân hàng năm sẽ càng lớn và ngược lại. Hay nói cách khác, với các NHTM vẫn có thanh khoản tốt thì giải pháp này sẽ không thôi thúc các NHTM tập trung xử lý nợ, mà có thể kéo dài thêm thời gian xử lý nợ càng lâu càng tốt.

Nền kinh tế đòi hỏi Chính phủ đưa ra một giải pháp có khả năng tạo sức ép mạnh mẽ cho các bên liên quan tham gia vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, thay vì chỉ là nghiệp vụ giãn nợ như kế hoạch đề xuất.


Do nợ xấu vẫn thuộc trách nhiệm xử lý bởi các NHTM nên về bản chất nghiệp vụ các NHTM vẫn chỉ dành sự quan tâm chủ yếu cho vấn đề thu hồi nợ, mà sẽ không quan tâm nhiều đến việc tham gia tái cấu trúc các doanh nghiệp đang có nợ xấu tại ngân hàng mình.

Đối với những khoản nợ xấu thuộc khu vực tư nhân nhưng được đảm bảo bằng các tài sản hữu hình như bất động sản, nhà cửa, hàng hoá… thì các NHTM có thể chờ đợi giá tài sản lên để bán đi xử lý một phần nợ được.

Với các khoản nợ xấu gắn với khu vực doanh nghiệp nhà nước thì các NHTM sẽ phải chờ đợi các giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước. Bởi trên hệ thống tín dụng, các doanh nghiệp chưa trả được nợ đúng hạn vẫn nằm trong danh sách, nên dù các NHTM có nhận được các khoản tiền từ NHNN do cầm cố trái phiếu VAMC thì các NHTM vẫn sẽ không cho các doanh nghiệp mắc nợ xấu vay thêm. Tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp này sẽ vẫn khó được cải thiện.

Như vậy, về bản chất kinh tế, phương án hình thành VAMC như trên chỉ là giải pháp giãn nợ cho nền kinh tế bằng nghiệp vụ kế toán. Giải pháp này sẽ thành công nếu như nền kinh tế hồi phục, tức khi các doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn và trả được nợ cho các NHTM. Nhưng như nhiều nghiên cứu của giới chuyên gia kinh tế chỉ ra, nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm trong những năm qua là do cơ cấu kém hiệu quả, trong khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế lại diễn ra quá chậm chạp.

Vì vậy, nền kinh tế đòi hỏi Chính phủ đưa ra một giải pháp hình thành VAMC có khả năng tạo sức ép mạnh mẽ cho các bên liên quan tham gia vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, thay vì chỉ là nghiệp vụ giãn nợ như kế hoạch đề xuất. Đề xuất hiện nay gần như đánh cược vào sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Trong khi, như phân tích ở trên chỉ ra, giải pháp này lại có nhiều nhân tố làm chậm lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, vốn được coi là động lực căn bản cho quá trình hồi phục này.

Nguồn SGTT


Sự kiện